Sáng ngày 9/8/2023, GS.TSKH. Sokrat G. Monakhos- Giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trưởng Bộ môn Thực vật học, Giống cây trồng và Công nghệ giống, Giám đốc Trung tâm Giống và Công nghệ giống cây trồng Đại học Nông nghiệp Quốc gia Nga mang tên Timiryazev đã có buổi làm việc với các chuyên gia, giảng viên khoa Nông học, khoa Công nghệ sinh học- Học viện Nông nghiệp Việt Nam về chương trình hợp tác trong nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống cây trồng mới.

Tại buổi làm việc, GS.TSKH. Sokrat G. Monakhos đã giới thiệu về thế mạnh của Trung tâm giống và công nghệ sản xuất giống cây trồng- Đại học nông nghiệp quốc gia Nga và thực trạng phát triển ngành giống cây trồng và ngành sản xuất hạt giống rau ở Liên Bang Nga.


 

Theo GS.TSKH. Sokrat G. Monakhos, nhu cầu hạt giống rau tại Nga hàng năm khoảng hơn 210 tấn hạt (bắp cải, hành tây, – cà rốt, – củ cải đỏ), trong đó lượng hạt nhập khẩu chiếm từ 60-95% (Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Nga). Chính phù Liên Bang Nga đã ban hành chính sách an ninh lương thực trong đó đặt mục tiêu ít nhất 75% hạt giống của các loại cây nông nghiệp chính cần được nhân giống trong nước.

Trung tâm giống và công nghệ sản xuất giống cây trồng- Đại học Nông nghiệp Quốc gia Nga là một trong những Trung tâm khoa học tầm cỡ thế giới về “Công nghệ sinh học nông nghiệp của tương lai “thuộc “Priority2030” - Chương trình phát triển chiến lược của trường đại học. Các nhà khoa học làm việc tại Trung tâm có tới 90% dưới 39 tuổi và được đào tạo bài bản, làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến. Một trong những hướng nghiên cứu chính đã và đang được các nhà khoa học của Trung tâm triển khai là:

+ Nghiên cứu tế bào gốc, tìm kiếm nguồn và vật thể cho tính kháng của cây rau đối với các loại bệnh hại nguy hiểm, nghiên cứu di truyền tính kháng, phát triển bộ chỉ thị DNA

+ Nghiên cứu sự xâm nhập giữa các gen của gen kháng bệnh thông qua lai xa và công nghệ cứu phôi trong ống nghiệm, nghiên cứu tế bào học của các giống lai khác loài: Di nhập gen trội kháng bệnh Thối đen (BR) vào hệ gen CC của cải trắng (B.oleracea) từ hệ gen BBCC của cải Ethiopia (B.carinata) nhằm phát triển dòng bắp cải trắng đầu tiên trên thế giới, cho gen kháng bệnh thối đen

+ Phát triển và cải tiến công nghệ tạo dòng đơn bội kép từ nuôi cấy vi bào tử phân lập, nuôi cấy bao phấn hoặc bầu nhụy (noãn) giúp giảm 4 lần (từ 8 xuống 2 năm) trong quá trình phát triển dòng bố mẹ, tăng gấp 10 lần cường độ của các chương trình nhân giống

+ Phát triển các hệ thống bất dục đực tế bào chất mới cho cây rau để cải thiện và đẩy nhanh các kế hoạch nhân giống cây lai F1

Trên cơ sở các hướng nghiên cứu đó, Trung tâm đã thu được nhiều kết quả nổi bật như: Lần đầu tiên ở Nga, dựa trên việc sử dụng phương pháp phân tích di truyền phân tử, trung tâm đã tạo ra được dòng bất dục đực tế bào chất (CMS) phục vụ cho sản xuất giống hành tây lai F1 "RESISTOR" - giống hành tây lai đầu tiên của Nga có khả năng kháng bệnh sương mai do di truyền hay giống bắp cải trắng lai F1 "PRIORITY" - giống lai đầu tiên của Nga về bắp cải kháng bệnh sưng rễ. Năm 2022 sản xuất và thương mại được 10,5kg hạt giống gốc bố mẹ, 2-4 tấn hạt giống F1, chiếm 6-30% lượng hạt giống rau của các tổ chức và viện nghiên cứu nhân giống trong nước, đạt số vốn ngoài ngân sách từ thương mại hóa 170 nghìn đô la Mỹ. Trung tâm đã hợp tác với nhiều công ty, tập đoàn lớn để sản xuất giống công nghiệp và thương mại hóa giống như: GC "Gavrish”, Công ty TNHH "Semko”, công Ty TNHH Nông Nghiệp Uy Tín, LLC "Đối tác Agrofirma", LLC "Trạm nhân giống mang tên N.N.Timofeev".

Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các giảng viên đã trình bày sơ bộ những hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện đặc biệt một số thành tựu trong lĩnh vực hạt giống rau, hoa như giống hoa hiên, hoa loa kèn, dưa chuột, diêm mạch, cà chua….. cũng như một số hướng nghiên cứu về chọn tạo giống rau chống chịu nóng, năng suất và chất lượng.

PGS.TS. Nguyễn Việt Long- Trưởng Ban Hợp tác quốc tế Học viện NNVN  và GS.TSKH. Sokrat G. Monakhos đã thống nhất một nội dung để đẩy mạnh hợp tác trong chuyển giao và đào tạo bao gồm:

Phối hợp tìm kiếm các nguồn kinh phí từ 2 nước để tài trợ cho các nghiên cứu thế mạnh chuyên sâu về chọn tạo giống;

Tăng cường hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên giữa 2 trường đại học;

Đẩy mạnh hoạt động seminar, hội thảo giữa 2 bên.


 

Kết thúc buổi làm việc, hai bên đánh giá cao kết quả, nội dung của buổi làm việc và nhất trí đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị 2 nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững./.

 

Đoàn Thu Thủy – Khoa Nông học