Ngày 14/8/2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài KHCN trọng điểm cấp Học viện: Chọn tạo dòng mẹ bất dục đực TGMS nếp phục vụ công tác tạo giống lúa nếp lai hai dòng cho miền Bắc Việt Nam, mã số: T2022-01- 11TĐ do ThS. Nguyễn Thanh Tùng - Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu gồm có GS. TS. Vũ Văn Liết – chủ tịch HĐ, cùng các thành viên trong Hội đồng gồm: TS. Ngô Thị Hồng Tươi (Khoa Nông học) - Phản biện 1, TS. Mai Văn Tân (Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam) - Phản biện 2, TS. Nguyễn Xuân Mai (Chuyên gia độc lập) - Uỷ viên; ThS. Nguyễn Thị Thu (Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng) - Thư ký hội đồng, cùng với sự có mặt của PGS.TS. Trần Hiệp – Phó trưởng ban phụ trách ban KH&CN, ThS. Vũ Thị Xuân Bình – Ban KH&CN cùng các thành viên tham gia đề tài.

Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện đề tài, Hội đồng đã đưa ra nhận xét về ý nghĩa khoa học cũng như khả năng ứng dụng của đề tài. Gạo nếp không chỉ là sản phẩm quan trọng cho tiêu thụ nội địa, nó còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị với tỷ trọng ngày càng tăng trong những năm gần đây (từ khoảng 8% năm 2018 lên tới 29,6% năm 2020). Theo chiến lược phát triển quốc gia về xuất khẩu lúa gạo giai đoạn 2020-2030, Chính phủ chủ chương tiếp tục duy trì tỷ trọng 25% của gạo nếp trong tổng lượng gạo xuất khẩu (Thu Thuỷ & Đặng Thành, 2018). Nhu cầu về phát triển những giống lúa nếp mới có tiềm năng năng suất cao để phát triển chuỗi cung ứng là cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu về sản phẩm gạo nếp phục vụ xuất khẩu trong tương lai. Mục tiêu phát triển bộ giống lúa nếp lai là một giải pháp tiềm năng nhằm nâng cao năng suất, mở rộng diện tích, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu về sản lượng lúa nếp dành cho xuất khẩu. Để tạo ra các giống lúa lai nếp, công tác chọn tạo các dòng bất dục đực nếp là bước đi then chốt. Với bề dày thành tựu chọn giống lúa lai hai dòng, cùng bộ vật liệu lúa bất dục đực (TGMS) rất phong phú và sẵn có của hệ thống chọn tạo lúa lai hai dòng trong nước, việc tạo ra các dòng TGMS-Nếp phục vụ tạo giống lúa lai hai dòng nếp là chiến lược hiệu quả nhất để tạo ra lúa lai nếp. Nghiên cứu này không chỉ hướng đến tạo ra 1-2 dòng TGMS-Nếp triển vọng mà còn tập trung xác định các nguyên lý, cũng như các vấn đề xảy ra trong quá trình chọn tạo một dòng TGMS-Nếp, từ đó giúp hoàn thiện phương pháp lai tạo các dòng TGMS-Nếp khác trong tương lai. Nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển các tổ hợp lúa lai nếp trong tương lai gần.

Kế thừa nguồn vật liệu TGMS-Nếp thế hệ F4 là sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp Học viện (Mã số đề tài: T2020-01-04) do Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hồng & cs. (2020) thực hiện từ năm 2020, nhóm thực hiện đề tài đã tiếp tục tiến hành đánh giá, chọn lọc và làm thuần các dòng TGMS-Nếp ở các thế hệ từ F4-F7 trên các tính trạng cơ bản của các dòng TGMS cần phải có, đồng thời đánh giá khả năng kết hợp chung sớm để chọn lọc dòng TGMS-Nếp có khả năng cho ưu thế lai cao trên các tính trạng năng suất, đánh giá khả năng kết hợp riêng để tìm tổ hợp lai triển vọng. Bên cạnh đó nhóm cũng đã tiến hành phân tích hàm lượng amylose và đánh giá chất lượng gạo của các dòng và các tổ hợp lai. Kết quả của đề tài đã chọn lọc được hai TGMS-Nếp ưu tú là: Dòng TG-N9-4-6-7 và dòng TG-N28-1-3-4 với có chiều cao cây thấp 72-76cm, thời gian sinh trưởng trong vụ mùa 103-105 ngày, vụ xuân 140 ngày, chiều dài bông 24-25cm, bông to trung bình 165-170 hạt/bông, tỷ lệ thò vòi nhuỵ cao 83-84%, sức sống vòi nhuỵ cao và mẫn cảm với GA3, có kiểu bất dục không hạt phấn và ngưỡng nhiệt độ chuyển hoá xung quanh 240C, hàm lượng amylose thấp 1,4 - 1,9%, có khả năng chịu rét và chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính và có khả năng kết hợp chung cao trên nhiều tính trạng năng suất. Gạo mềm, độ hoá hồ thấp và có mùi thơm nhẹ. Kết quả đánh giá khả năng kết hợp riêng, đánh giá các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất, khả năng chống chịu và chất lượng gạo đã xác định được hai tổ hợp lai triển vọng là tổ hợp TG-N28-1-3/N87 và TG-N24-4-9/N97 có khả năng chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính, chịu rét tốt, bông to trung bình 170-180 hạt/bông, năng suất thực thu cao 64,2 - 65,3 tạ/ha, gạo có hàm lượng amylose thấp 1,5-2,4%, có mùi thơm nhẹ, cơm mềm, độ hoá hồ thấp.

Kết quả đề tài đã tạo ra nguồn vật liệu TGMS mới cho công tác nghiên cứu, có thể phát triển trong các chương trình lai tạo các giống lúa nếp lai mới trong thời gian tiếp theo. Đề tài cũng là tài liệu khoa học có giá trị tham khảo, sử dụng trong công tác giảng dạy và nghiên cứu liên quan đến chọn tạo giống cây trồng mới đặc biệt trong công tác chọn tạo chọn tạo giống lúa.

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài nghiệm thu đạt loại Tốt, đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra, có tính cấp thiết, tính mới và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao.

Dòng TGMS-Nếp ưu tú (sản phẩm của đề tài)


 

Tổ hợp lúa nếp lai triển vọng (sản phẩm của đề tài)


 

 

Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Học viện 

 

 ThS. Nguyễn Thanh Tùng - Viện NC&PTCT

Ban Khoa học và Công nghệ