Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa ĐH12 đạt năng suất trên 70 tấn/ha ở vụ xuân 2020. Ảnh: Minh Phúc 

Ở Việt Nam, giống lúa thuần năng suất, chất lượng được khuyến khích gieo trồng để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Tuy nhiên, bộ giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao hiện nay chưa đa dạng, tính thích ứng còn hẹp, nhiễm nhiều loại sâu bệnh (rầy, bạc lá, đạo ôn) nên việc mở rộng diện tích gặp khó khăn.

Công tác chọn tạo và phát triển giống lúa thuần có năng suất cao, chất lượng tốt, nhiễm nhẹ sâu bệnh trong thời gian qua còn mang tính chất nhỏ lẻ, không đồng bộ, đầu tư không đầy đủ vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Từ yêu cầu thực tế và nguồn lực sẵn có của đơn vị, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã lai tạo và chọn lọc thành công giống lúa thuần ĐH12 có nhiều ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, cây cao trung bình, cứng cây, lá đòng hơi mo, thích ứng ứng rộng, năng suất cao, hạt gạo dài, chất lượng gạo tốt, cơm mềm đậm ngon.

Bởi vậy, giống ĐH12 đã được lựa chọn là một trong những giống lúa trong Chương trình Sản phẩm Quốc gia về lúa gạo. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Apollo Việt Nam là đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa này.

Qua đánh giá đặc điểm nông sinh học của giống ĐH12 tại Thanh Sơn, Phú Thọ, trong điều kiện vụ xuân năm 2017, các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của ĐH12 cao hơn so với đối chứng KD18 như tỷ lệ hạt chắc, khối lượng 1000 hạt dẫn đến năng suất thực thu cao hơn.


 Giống lúa ĐH12 là giống lúa chất lượng, tiềm năng năng suất cao. Ảnh: Minh Phúc. 

Năng suất thực thu của ĐH12 đạt 75,6 tạ/ha, vượt 8,3 tạ/ha so với đối chứng KD18. Tương tự, trong vụ mùa, năng suất của ĐH12 cao hơn KD18 là 9,3 tạ/ha. Nhìn một cách tổng thể, ĐH12 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với đối chứng KD18, thích hợp với điều kiện của địa phương.

Còn tại Hà Nội, trong điều kiện vụ xuân 2018, giống lúa thuần ĐH12 có khả năng chống đổ tốt, đẻ nhánh khá. Đặc biệt, ĐH12 có gạo trắng trong, cơm trắng có vị đậm, có mùi thơm nhẹ khá đặc trưng, độ ngon hơn hẳn so với KD18.

Qua sản xuất thử hơn 900 ha lúa DDH12 tại các tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên (đại diện cho vùng miền núi phía Bắc), Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình (đại diện cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (đại diện cho các tỉnh Bắc Trung Bộ) cho thấy các cơ quan chuyên môn của địa phương, đặc biệt là Sở NN-PTNT các tỉnh đánh giá rất cao.

Giống ĐH12 được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức vào tháng 12/2019. Do đó, từ vụ xuân 2020, Công ty Apolo Việt Nam đã phối hợp với nhiều địa phương các tỉnh Bắc Trung bộ và Bắc bộ để sản xuất đại trà giống lúa này.


Bông lúa ĐH12 có tỷ lệ hạt chắc cao. Ảnh: Minh Phúc.  

Điển hình như tại Nghệ An, một số huyện gồm Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành... triển khai nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn giống lúa ĐH12 với diện tích từ 30 - 60ha, năng suất bình quân đạt 72,2 - 76,8 tạ/ha, cao hơn so với năng suất KD18 từ 12 – 16%.

PGS. TS Trần Văn Quang – Trưởng khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Giống lúa thuần ĐH12 là sản phẩm thuộc chương trình Sản phẩm lúa gạo Quốc gia nên có giá bán tại trên thị trường tương đương với lúa Bắc thơm số 7. Hiện giống lúa đã được sản xuất tại 21 tỉnh, thành phía Bắc, đồng thời đang trong quá trình làm khảo nghiệm cơ bản và mở rộng sản xuất tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Theo PGS.TS Trịnh Khắc Quang – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đặc điểm rất quan trọng của Chương trình Sản phẩm Quốc gia lúa gạo là tất cả các giống đều được các doanh nghiệp tham gia để thương mại hóa và các doanh nghiệp cũng đã phối hợp để khảo nghiệm diện rộng và nhân giống này, qua đó phổ biến cho bà con nông dân.

Đến nay các giống lúa được công nhận trong thời gian gần đây đã được sản xuất với một quy mô diện tích tương đối lớn và hi vọng rằng cuối năm 2020 chúng tôi sẽ báo cáo kết quả này về Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ để kết quả của Chương trình sẽ tiếp tục được phát triển, phục vụ sản xuất tốt hơn.

Minh Phúc-https://nongnghiep.vn/