Sâu keo mùa Thu (SKMT) (Spodoptera frugiperda J.E. Smith) (Lepidoptera: Noctuidae) là loài côn trùng đa thực nguy hiểm có nguồn gốc tại châu Mỹ. Gần đây, sâu keo mùa Thu đã trở thành dịch hại xâm lấn gây hại nghiêm trọng trên cây ngô tại châu Phi và châu Á. Tại châu Phi, đầu năm 2016, sâu keo mùa thu được phát hiện ở 5 nước Tây và Trung Phi và đến năm 2018, loài này đã được phát hiện gây hại trên cây ngô tại trên 30 quốc gia ở châu Phi (FAO, 2018). Tại châu Á, sâu keo mùa thu được phát hiện gây hại đầu tiên tại Ấn Độ và Yê Men vào tháng 7 năm 2018. Đến đầu năm 2019, loài này đã xuất hiện tại 5 quốc gia khác là Bangladesh, Trung Quốc, Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan (FAO, 2019).
Sâu keo mùa thu được ghi nhận gây hại trên 353 cây ký chủ khác nhau thuộc 76 họ trong đó họ Hoà thảo (Poaceae: 106), họ Cúc (Asteraceae: 31), họ Đậu (Fabaceae: 31). Ngoài cây ngô và cây lúa, loài này còn gây hại nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng khác như mía, bông, đậu tương, lạc, hoa hướng dương, hành, tỏi, củ cải, rau họ hoa thập tự, cây họ bầu bí, cà chua, khoai lang, táo, xoài,…
Mức độ gây hại và thiệt hại kinh tế do SKMT đối với sản xuất ngô tại nhiều quốc gia đã được nghiên cứu và khảo sát. Tại Brazil, SKMT làm giảm 34 % sản lượng ngô. Năm 2005, loài dịch hại này đã làm thiệt hại kinh tế khoảng 400 triệu đô la Mỹ cho sản xuất ngô của quốc gia này. Kết quả điều tra về mức độ thiệt hại do SKMT gây ra tại 12 quốc gia châu Phi (Benin, Cameroon, Democratic Republic of Congo, Ethiopia, Ghana, Malawi, Mozambique, Nigeria, Uganda, Tanzania, Zambia, Zimbabwe) trong 3 năm từ 2015 đến 2017 cho thấy loài sâu này đã gây thiệt hại về sản lượng ngô từ 8,3 đến 20,6 triệu tấn/năm nếu không tiến hành các biện pháp phòng trừ. Sản lượng bị thiệt hại này tương đương từ 21% - 53% tổng sản lượng ngô trung bình hằng năm trong 3 năm của các quốc gia này. Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng từ 2,5 đến 6,2 triệu đô la Mỹ.
Sau cảnh báo của Cục BVTV về nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của loải sâu nói trên (công văn số 351/BVTV-TV, ngày 19/2/2019), đến nay nhiều địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Cao Bằng...; vùng Bắc Trung Bộ có các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh…; khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có các tỉnh Quảng Ngãi, Đăk Nông đã có sự xuất hiện của. Trên cơ sở các mẫu thu thập trong vụ xuân 2019 tại Hà Nội, các nhà khoa học của Bộ môn Côn Trùng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam sử dụng phương pháp giám định gen (phân loại phân tử dựa trên trình tự đoạn gen mã vạch COI) theo Công ước quốc tế về BVTV ISPM số 06/2018 về điều tra phát hiện do FAO ban hành và kết hợp giám định đặc điểm hình thái các pha phát dục. Kết quả giám định trình tự gen cho thấy trình tự gen COI của 2 mẫu sâu thu thập tại Hà Nội trùng khớp 100% với loài sâu keo mùa thu trên GenBank và kết quả này cũng trùng với kết quả giám định của Trung tâm Nông nghiệp và Sinh học quốc tế tại Vương Quốc Anh (CABI UK).
Sâu keo mùa thu có 4 phát dục gồm trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành. Trưởng thành cái đẻ trứng thành ổ ở trên bề mặt lá và có phủ lớp lông màu trắng kem. Trứng có hình cầu màu trắng kem. Sâu non mang một số đặc điểm hình thái như: Đầu sâu non có hình chữ Y ngược màu vàng, hai bên đầu có vân hình lưới; Đốt bụng thứ 1 đến 7, mỗi đốt có 4 u lông màu nâu đen xếp thành hình thang cân trên phần lưng; Đốt bụng thứ 8 có 4 u lông màu nâu đen có kích thước lớn hơn và xếp hành hình vuông. Sâu non sâu keo mùa thu gây hại nặng trên cây ngô non. Sâu non tuổi nhỏ ăn phần nhu mô màu xanh từ một mặt của lá và để lại lớp biểu bì màng màu trắng ở mặt bên kia. Sâu non tuổi lớn ăn khuyết lá và gây hại trên nhiều bộ phận của cây như lá non, ngọn, mầm hoa, hoa, bắp non, hạt non. Nhộng có màu nâu sáng bóng nhộng cái thường có kích thước lớn hơn nhộng đực. Trưởng thành có cánh trước màu nâu đến nâu sẫm, cánh sau màu trắng vàng có viền mép ngoài cánh hẹp màu nâu sẫm. Trưởng thành đực có cánh trước màu nâu sẫm hơn trưởng thành cái và nổi với các đốm, vân màu nâu nhạt, xám và vàng.
Trên cơ sở kết quả giám định trình tự gen COI từ sâu hại ngô của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nông nghiệp và Sinh học quốc tế tại Vương quốc Anh (CABI UK), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kết luận chính thức về sự suất hiện loài sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda và Bộ đã ban Hành công văn số 2872/BNN-BVTV, ngày 24/4/2019 chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tiến hành các nghiên cứu về biện pháp quản lý và phòng chống loài sâu hại này để đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân. Hiện nay, để làm giảm thiệt hại do loài sâu keo mùa thu gây ra trên cây ngô, người dân được khuyến cáo áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với loài dịch hại này trong đó có sự phối hợp các biện pháp phòng chống chúng như biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, biện pháp thủ công- cơ giới; biện pháp hoá học.
A) Triệu chứng gây hại của sâu non loài sâu keo mùa thu tuổi nhỏ trên cây ngô; B) Sâu non tuổi 6 và triệu chứng gây hại; C) Trưởng thành đực; D) Trưởng thành cái
Nhóm nghiên cứu mạnh Côn trùng - Khoa Nông học