Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn đều có chứa hoạt chất thảo mộc. Và ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế rất được các nhà khoa học quan tâm. Cây dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai. Việt Nam với ưu thế về khí hậu, địa hình, là một trong các trung tâm đa dạng của thế. Đã có trên 5000 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc ở Việt Nam được Viện dược liệu ghhi nhận, phân bố rộng khắp cả nước với nhiều loài cây dược liệu quý hiếm như Sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Thông đỏ…Tuy nhiên việc khai thác chưa được hiệu quả dẫn tới ngày một suy giảm. Chính vì vậy làm thế nào để khai thác được tiềm năng của cây dược liệu mà không làm mai một đi nguồn tài nguyên quý giá này là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo mọi người.

Nắm bắt được xu thế này, ngày 30/12/2019, tại hội trường Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhóm nghiên cứu mạnh Cây dược liệu- Khoa Nông học đã tổ chức hội thảo “Tiềm năng phát triển cây dược liệu”. Hội thảo có sự tham gia của các thành viên trong nhóm nghiên cứu mạnh Cây dược liệu, các giảng viên trong Học viện và đại diện của Traphaco, Viện dược liệu.

Mở đầu buổi hội thảo, PGS. TS. Ninh Thị Phíp, phó trưởng khoa Nông học, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Cây dược liệu đã phát biểu khai mạc hội thảo nhóm, nêu bật tầm quan trọng của Cây dược liệu trong đời sống hàng ngày. Tiếp đó, 12 báo cáo tổng quan và nghiên cứu đã được các báo cáo viên trình bày trong hội thảo. Các báo cáo tập trung vào tiềm năng dược liệu của Việt Nam, giải pháp phát triển dược liệu bền vững tại Việt Nam. Hội thảo cũng đề cập tới đa dạng di truyền và phương pháp nhân giống một số cây dược liệu tiềm năng của Việt Nam như Bảy lá một hoa, Bát giác liên, Rau đắng đất,…..nhằm phát triển và khai thác một cách có hiệu quả nguồn gen những cây thuốc có giá trị này. Từ các nghiên cứu điều tra phỏng vấn thực địa, nhóm nghiên cứu đã đưa ra Định hướng phát triển dược liệu Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.

 Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp. Thông qua các báo cáo và trao đổi tại hội thảo đã cho thấy nhu cầu và tiềm năng rất lớn của cây dược liệu trong thời điểm hiện tại và tương lai, tạo ra động lực mạnh mẽ để khích lệ, gợi mở cho nhóm nghiên cứu Cây dược liệu và các đơn vị nghiên cứu về Cây dược liệu đưa ra các định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm phát huy được hết tiềm năng cây dược liệu ở Việt Nam.