Ngày 20/9/2019, tại Thư viện Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhóm NCM Cây rau đã tổ chức seminar khoa học tháng 9 với hai chuyên đề: Chuyên đề 1 về Đánh giá sinh trưởng và phát triển của một số giống cà chua quả nhỏ trong mùa hè do TS. Vũ Thanh Hải trình bày và Chuyên đề 2 về Nghiên cứu sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân vô cơ NPK trong sản xuất rau an toàn tại Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội do PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng trình bày.

leftcenterrightdel
TS. Vũ Thanh Hải trình bày chuyên đề về đánh giá sinh trưởng của cà chua quả nhỏ chịu nhiệt 

leftcenterrightdel
Thảo luận nhóm về tiềm năng sản xuất cà chua chịu nhiệt trong vụ hè 

Trong chuyên đề 1, TS. Vũ Thanh Hải đã nêu bật sự cần thiết của việc tìm kiếm giống cà chua chịu nhiệt phù hợp với điều kiện trồng vụ Hè ở miền Bắc Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc trồng cà chua trong vụ hè là hoàn toàn khả thi nếu canh tác trong điều kiện nhà có mái che với thiết kế phù hợp. Mặc dù có thể đạt năng suất tốt, cà chua trồng vụ hè thường chỉ cho quả chín màu vàng đến đỏ với vị chua dịu, so với cà chua trồng vụ đông thì quả ít ngọt hơn và màu sắc quả kém bắt mắt hơn. Trong số 6 giống cà chua được thử nghiệm trong điều kiện vụ hè năm 2019 là Thuý Hồng (CT Nông Hữu), Cà phê bi (sưu tầm), Pero đỏ (CT Rijk Zwann VN), Đen mini (sưu tầm), Indigo (CT Lucky seeds), và Tràng An (CT Phú Điền), Pero đỏ là giống có tiềm năng nhất, thể hiện ở khả năng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất quả cao, và chất lượng quả tốt.

leftcenterrightdel
PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng trình bày chuyên đề về sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ trong sản xuất rau 

Trong chuyên đề 2, PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng đã trình bày một số kết quả nghiên cứu cơ bản về ảnh hưởng của việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay thế một phần phân bón vô cơ trong sản xuất một số loại rau tại làng rau Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội. Nghiên cứu nhằm mục đích khuyến khích người dân tận dụng nguồn phụ phẩm trong sản xuất rau để tự sản xuất phân ủ, kết hợp bón phân ủ và phân vô cơ nhằm duy trì hiệu quả kinh tế trong sản xuất và đồng thời cải tạo đất. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hiệu quả sản xuất đạt cao nhất khi sử dụng 25 – 50% phân hữu cơ thay thế cho phân vô cơ trên dưa chuột và cải bắp. Đối với rau muống, hiệu quả của việc sử dụng phân hữu cơ thay thế cho phân vô cơ chưa rõ ràng nhưng lại giúp hạn chế được bệnh phấn trắng trên rau.