Ngày 12/8/2020 tại Hội trường khoa Nông học nhóm NCM Sinh lý, Sinh thái cây trồng đã tổ chức seminar nhóm với 2 chuyên đề: “Ảnh hưởng của chất lượng ánh sáng khác nhau đến sinh trưởng của cây cải bó xôi trồng trên hệ thống thủy canh hồi lưu” do ThS. Nguyễn Thị Phương Dung trình bày và “Ảnh hưởng của vị trí hái lá dâu cho tằm ăn đến năng suất và chất lượng kén tằm” do TS. Nguyễn Hồng Hạnh trình bày.
Đến dự buổi semiar có các thành viên của nhóm NCM Sinh lý, sinh thái cây trồng và đông đảo các thầy cô trong khoa cùng các em sinh viên tới dự.
Trong chuyên đề 1:“Ảnh hưởng của chất lượng ánh sáng khác nhau đến sinh trưởng của cây cải bó xôi trồng trên hệ thống thủy canh hồi lưu”, ThS. Nguyễn Thị Phương Dung đề cập đến:
Mô hình trồng rau thủy canh kết hợp với đèn LED vừa cung cấp sản phẩm rau sạch, an toàn, chất lượng cao, vừa có ý nghĩa phục vụ trang trí, góp phần giải quyết được các vấn đề cung cấp sản phẩm rau trái vụ, nhất là ở những vùng đô thị, nơi thiếu hụt về diện tích đất canh tác.
Phổ ánh sáng nhân tạo đèn LED phù hợp cho sinh trưởng của cây cải bó xôi trồng thủy canh cho năng suất cao và chất lượng tốt là ánh sáng đỏ xanh lam với tỉ lệ 4R:1B. Kết quả nghiên cứu khẳng định rau cải bó xôi trồng thủy canh kết hợp với chiếu sáng nhân tạo bằng đèn LED an toàn cho người dùng.
Kết quả của nghiên cứu về bổ sung ánh sáng nhân tạo cho cây cải bó xôi đồng thời là cơ sở cho những nghiên cứu trên đối tượng cây trồng khác có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao hơn (chẳng hạn như cây hoa, cây dược liệu…).
Trong chuyên đề 2 “Ảnh hưởng của vị trí hái lá dâu cho tằm ăn đến năng suất và chất lượng kén tằm” ,TS. Nguyễn Hồng Hạnh đã nghiên cứu vị trí hái lá dâu nào là phù hợp cho sự sinh trưởng của tằm cho năng suất và chất lượng tơ kén là cao nhất.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trên ruộng dâu sau đốn sát ở vụ đông 90 ngày, chỉ số SPAD không sai khác giữa các công thức hái lá. Hàm lượng nước trong lá đạt cao nhất 79,1% ở công thức hai lá 2+3 nhưng hàm lượng nước mất sau 6 giờ thấp nhất ở lá 6+7 và hỗn lá. Khả năng duy trì hàm lượng nước sau 6 giờ đạt cao nhất ở lá 6+7 và hỗn lá. Kết quả về tăng trưởng tằm qua các tuổi cho thấy: khối lượng tằm chín, khối lượng tuyến tơ đạt cao nhất ở công thức tằm ăn lá thứ 2+3 từ trên ngọn xuống. Tuy nhiên, tỷ lệ kết kén tốt đều > 90%, sai khác không có ý nghĩa giữa các công thức hái lá. Khối lượng kén, khối lượng vỏ kén và năng suất kén/300 tằm đạt cao nhất ở công thức tằm ăn lá 2+3, còn chất lượng tơ (chiều dài sợi tơ đơn, tỷ lệ lên tơ, tỷ lệ tơ nõn và hệ số tiêu hao tơ) lại đạt cao nhất khi tằm ăn lá thứ 4+5. Như vậy tằm ăn lá thứ 2+3 cho sinh trưởng tằm tốt nhất nhưng ăn lá 4+5 thì cho chất lượng kén tốt nhất.
Một số hình ảnh của buổi seminar
Nhóm NCM Sinh lý, sinh thái cây trồng