Trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu, ngành hoa, cây cảnh Việt Nam cần những bước đi đột phá. Tọa đàm "Tương lai ngành hoa cây cảnh Việt Nam" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức là cơ hội để các bên quan tâm cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho sự phát triển bền vững.

Chiều 12/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm "Tương lai ngành hoa cây cảnh Việt Nam" với hơn 750 đại biểu tham dự.

Theo số liệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, ngành hoa cây cảnh đang phát triển mạnh mẽ, đạt gần 45.000ha vào năm 2024, giá trị sản lượng hơn 45.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu vượt 100 triệu USD. Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh.

 


Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm "Tương lai ngành hoa cây cảnh Việt Nam" 

Tọa đàm nhằm thảo luận các giải pháp như: Ứng dụng công nghệ cao, chọn tạo giống mới, quy hoạch vùng chuyên canh và xúc tiến thương mại, đưa ngành hoa cây cảnh lên tầm cao mới. Học viện cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành thông qua đào tạo và nghiên cứu.

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, tọa đàm là diễn đàn thảo luận giải pháp đột phá cho ngành hoa, cây cảnh. Đề án đến 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất ứng dụng công nghệ cao (nuôi cấy mô, công nghệ số, AI), nghiên cứu giống mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, quy hoạch vùng chuyên canh, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu.


GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm 

GS.TS Phạm Văn Cường nhấn mạnh: “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo đa ngành và là trung tâm nghiên cứu hàng đầu, cam kết đồng hành cùng ngành hoa, cây cảnh. Học viện đã đào tạo hàng ngàn sinh viên làm việc trong lĩnh vực này và triển khai nhiều nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ giúp ngành phát triển bền vững”.

Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội Xuân VNUA 2025 lần đầu tiên được Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức với chủ đề Xuân Ất Tỵ - Kỷ nguyên mới - Sức sống mới - Khát vọng mới.

Chia sẻ tại tọa đàm, ThS Phạm Thị Bích Phượng cho hay: “Kiến tạo cảnh quan trị liệu xanh là xu hướng phát triển ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển mạnh, dân số đông”. Chính vì vậy, xu hướng ứng dụng cảnh quan vào liệu pháp tinh thần cũng được quan tâm thúc đẩy trong bối cảnh xã hội hiện đại, áp lực cuộc sống gia tăng.

Hiện nay, ngành hoa cây cảnh Việt Nam đối mặt nhiều thách thức. Định hướng phát triển vùng trồng còn bất cập, kỹ thuật sản xuất lạc hậu so với khu vực. Hầu hết giống cây không có bản quyền, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, tỷ lệ đào tạo thấp. Thị trường quốc tế cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với các sản phẩm mới.


PGS.TS Phạm Thị Minh Phượng chia sẻ tại tọa đàm 

Vì thế, theo PGS.TS Phạm Thị Minh Phượng, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam điều này đòi hỏi ngành cần có chiến lược phát triển đồng bộ, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để cạnh tranh hiệu quả.

Tại tọa đàm, các đại biểu, khách mời cùng bàn về khó khăn, thách thức của ngành hoa, cây cảnh Việt Nam, những giải pháp, định hướng để ngành này phát triển bền vững trong xã hội hiện nay.

Tọa đàm "Tương lai ngành hoa cây cảnh Việt Nam" mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý. Hy vọng những giải pháp được đề xuất sẽ góp phần thúc đẩy ngành hoa cây cảnh Việt Nam phát triển bền vững, vươn tầm quốc tế.

Chương trình đào tạo ngành Khoa học cây trồng dạy bằng tiếng Anh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được xây dựng và đào tạo theo tiêu chuẩn của trường đối tác nước ngoài nhằm cung cấp cho sinh viên một môi trường học tập đẳng cấp quốc tế.

Đây là ngành học nghiên cứu, phân tích, giải quyết các vấn đề liên quan đến cây trồng như chọn tạo và nhân giống; kỹ thuật canh tác các loại cây trồng (cây lúa, cây ăn trái, cây rau màu…); các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất cây trồng.

Bên cạnh đó, người học có khả năng tạo ra những giống cây trồng mới, tiếp cận những phương pháp, công nghệ hiện đại góp phần tạo ra các sản phẩm cây trồng sạch, an toàn và chất lượng.

 

https://tuoitrethudo.vn/