GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, nông nghiệp Hà Nội không nên giống mô hình phát triển nông nghiệp của các tỉnh, thành khác; trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang "gương mặt mới"...

Tại Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" tổ chức ngày 1/8, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có tham luận về lĩnh vực đào tạo, khoa học - công nghệ và phát triển nông nghiệp trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nông nghiệp Hà Nội phải có hướng đi riêng


 Tham luận tại Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" ngày 1/8, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Hà Nội phải mang "gương mặt mới", đó là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô, kết hợp chặt chẽ với du lịch hình thành nền nông nghiệp đa giá trị. Ảnh: HN.

Đáng chú ý, trong tham luận, GS.TS Nguyễn Thị Lan khuyến nghị, nông nghiệp Hà Nội không nên giống mô hình phát triển nông nghiệp của các tỉnh, thành khác. Theo đó, không chỉ tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho thành phố và cho cả nước.

"Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới, đó là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô, kết hợp chặt chẽ với du lịch hình thành nền nông nghiệp đa giá trị. Do đó, cần cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại đất đai cho phát triển nông nghiệp; trình độ kỹ thuật nông nghiệp và lực lượng lao động trong nông nghiệp, hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp", GS.TS Nguyễn Thị Lan nêu ý kiến.

Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đây là nội dung cần đột phá mạnh, tập trung chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành có thế mạnh, tăng đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh.

"Tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ hình thành mới các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã sửa đổi; cơ cấu lại trình độ kỹ thuật nông nghiệp... Đây là một trong những nội dung giữ vị trí quan trọng, theo hướng bảo tồn và phát huy các loại công nghệ thủ công truyền thống, tạo điểm nhấn cho du lịch canh nông, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất", GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.


Quang cảnh Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" diễn ra ngày 1/8 do TP.Hà Nội tổ chức. Ảnh: HN. 

Tránh lãng phí nguồn đất nông nghiệp

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật quy định một số chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho phát triển nông nghiệp Thủ đô. Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định liên quan đến nông nghiệp trong Điều 33 và một số điều liên quan khác như quy định về quản lý đất đai và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thị Lan đề xuất, nên nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý đất bề mặt/tầng canh tác ở các vùng đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích khác để tránh làm lãng phí nguồn đất bề mặt có thể sử dụng trồng trọt "vô cùng giá trị này".

Bên cạnh đó, TP.Hà Nội cũng cần nghiên cứu và xem xét bổ sung quy định về thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cac-bon; xem xét bổ sung quy định khuyến khích nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị bền vững; nghiên cứu bổ sung quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu và nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ven đô, mang đặc trưng của Hà Nội.

Luật Thủ đô hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012, sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô 2012 đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của TP Hà Nội.

Tuy nhiên, về cơ bản Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay; tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.

 

Báo: danviet.vn