HÒA BÌNH - Giá trị cà chua hữu cơ trái vụ đạt 1,35 tỷ đồng/ha, VietGAP 1,05 tỷ đồng/ha; cải củ hữu cơ đạt 800 triệu đồng/ha, VietGAP 420 triệu đồng/ha.

Vụ xuân hè này, Tổ hợp tác sản xuất Rau hữu cơ, Rau an toàn xã Vân Sơn (Tân Lạc, Hoà Bình) áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ và VietGAP, cho sản lượng gần 3 tấn cà chua, cải củ trái vụ đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-2:2017).


TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh trong vườn cà chua hữu cơ ở xã Vân Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình). Ảnh: Hải Tiến. 

Các giống rau được Tổ hợp tác đưa vào gieo trồng gồm cà chua Savior và cải củ xanh Hàn Quốc. Đến nay, Tổ hợp tác đã cơ bản thu hoạch xong rau trái vụ, sản lượng rau các loại đạt gần 6 tấn, được Tổ chức FAO chứng nhận và kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trong đó có trên 3 tấn cà chua và cải củ đạt chuẩn hữu cơ; gần 2,9 tấn cà chua, củ cải đạt VietGAP. Tổng giá trị sản phẩm đạt trên 170 triệu đồng, lợi nhuận gần 100 triệu đồng, tương đương năng suất cà chua hữu cơ đạt 30 tấn/ha, VietGAP đạt 35 tấn/ha; củ cải hữu cơ đạt 40 tấn/ha, VietGAP 28 tấn/ha. Giá trị thu hoạch/ha canh tác đối với cà chua hữu cơ đạt 1,35 tỷ đồng, VietGAP 1,05 tỷ đồng; cải củ hữu cơ đạt 800 triệu đồng, VietGAP 420 triệu đồng.

Ông Hà Công Quyền - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất Rau an toàn, Rau hữu cơ xã Vân Sơn thẳng thắn nhìn nhận, sản xuất thành công các loại rau nêu trên là do Tổ hợp tác được Sở KH–CN tỉnh Hoà Bình và TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hỗ trợ thực hiện. Vì đang trong thời gian học hỏi cách làm, Tổ hợp tác chỉ tiến hành sản xuất với diện tích 0,2ha để tích luỹ kinh nghiệm sản xuất và thăm dò thị trường tiêu thụ.

Bước đầu cho thấy, canh tác rau hữu cơ vất vả, tốn nhiều công lao động, bù lại, nhà nông không phải bỏ tiền mua hoá chất bảo vệ thực vật và phân bón hoá học, sản phẩm rau làm ra được các siêu thị ở Hà Nội bao tiêu với giá cao gấp 1,5 - 2 lần rau cùng loại ngoài thị trường. Sau mùa vụ này, bên cạnh duy trì diện tích sản xuất cũ, Tổ hợp tác sẽ mở rộng trồng rau hữu cơ, rau VietGAP sang cánh đồng của các xóm lân cận trong xã.


Khách tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ, rau VietGAP tại xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Ảnh: Hải Tiến. 

Ông Bùi Đức Hiển, Trưởng Phòng NN - PTNT Tân Lạc đánh giá, việc Tổ hợp tác sản xuất thành công rau hữu cơ và rau VietGAP trái vụ đạt hiệu quả cao không chỉ minh chứng cho tính chính xác của các quy trình kỹ thuật được cơ quan nghiên cứu khoa học xây dựng trước đó mà còn tạo tiền đề để nhân rộng ra các khu vực có điều kiện sinh thái tương tự huyện Tân Lạc. Bởi đây là một trong những lĩnh vực luôn được chính quyền và ngành chuyên môn trong tỉnh quan tâm, ưu tiên tạo nguồn lực thúc đẩy.

 

"Các xã vùng cao Tân Lạc đã được quy hoạch phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh nhờ nằm ở độ cao trung bình 800m so với mực nước biển, có thời tiết quanh năm mát mẻ, trên địa bàn còn duy trì được nhiều diện tích rừng nguyên sinh, người dân nơi đây không có thói quen sử dụng thuốc trừ cỏ nên quần thể sinh vật trong khu vực còn đa dạng và phong phú. Đây là những tiền đề rất thuận lợi cho sản xuất nhiều loại rau ôn đới quanh năm gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái", ông Bùi Đức Hiển cho biết thêm.


Ruộng sản xuất cải củ VietGAP. Ảnh: Hải Tiến. 

Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, khí hậu nước ta nói chung nắng lắm mưa nhiều, mưa nắng thất thường, đất trồng rau ở những vùng chuyển đổi từ đất lúa thường có tầng canh tác mỏng, phải cải tạo lại. Mặt khác, sản xuất rau hữu cơ, rau VietGAP không dễ dàng, nhất là với bà con các dân tộc ở vùng cao. Vì vậy cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội.

Để có thêm nguồn lực cho sản xuất rau xanh hữu cơ, VietGAP, các địa phương cần lồng ghép với xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... để mở các lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân, hướng dẫn người dân cách làm thị trường, cách bán sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử.


 Chứng nhận của Tổ chức FAO cấp cho Tổ hợp tác sản xuất Rau an toàn, Rau hữu cơ xã Vân Sơn.
TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh hiện (Trưởng Bộ môn Phương pháp Thí nghiệm và Thống kê sinh học, Khoa Nông học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) là Chủ nhiệm đề tài: "Nghiên cứu phát triển một số loại rau an toàn, rau hữu cơ trái vụ hiệu quả kinh tế cao tại một số xã vùng cao huyện Tân Lạc, Hòa Bình. TS Dinh vừa trực tiếp xây dựng thành công 4 quy trình sản xuất rau hữu cơ trái vụ, rau VietGAP trái vụ, được Sở NN-PTNT Hoà Bình công nhận tạm thời năm 2023, cho phép áp dụng vào sản xuất tại xã Vân Sơn và các vùng có điều kiện sinh thái tương tự huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình.

 

Nguyễn Hải Tiến - nongnghiep.vn