Nữ nghiên cứu viên say mê nông nghiệp

Đặng Thị Phương Anh (sinh năm 1998) là cựu sinh viên ngành Khoa học cây trồng tiên tiến, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phương Anh từng đạt “Sinh viên 5 tốt” cấp Học viện năm 2019-2020; điểm trung bình 4 năm đại học đạt 3.78; nhiều lần đạt giải Nhất nhà vô địch điểm A cấp Khoa, Olympic tin học cấp Học viện; sinh viên duy nhất tốt nghiệp loại xuất sắc Khoa Nông học năm 2021.

Ngay sau khi tốt nghiệp, Phương Anh làm việc tại Trung tâm đổi mới sáng tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

“Song song việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên năm 2018, em đã làm cộng tác viên của Trung tâm đổi mới sáng tạo. Làm việc tại Trung tâm đã cho em nhiều kiến thức, kỹ năng và bổ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu đề tài khoa học của mình”, Phương Anh chia sẻ.


Nghiên cứu viên Đặng Thị Phương Anh (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Cuối năm 2019, Phương Anh chuyển hướng làm nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu rau quả (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) với công việc chính là “trồng cây ở ngoài đồng”.

“Công việc chính của em là nghiên cứu về các loại cây, trong đó có công đoạn nuôi trồng. Nhiều người không biết thì sẽ cười. Nhưng thực chất, đây là công đoạn thí nghiệm cơ bản, quan trọng trong nghiên cứu nông nghiệp, nhờ đó mới thu được thông tin về quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây như thế nào. Trên cơ sở thực tiễn đó để tổng hợp khách quan, viết báo cáo và đưa giống cây đó áp dụng ở những địa phương, vùng miền khác”, Phương Anh chia sẻ.

Công việc giúp Phương Anh đặt chân đến nhiều vùng đất ở Việt Nam và để lại ấn tượng sâu sắc riêng.

“Em thường trực tiếp về các vùng nông thôn để phổ biến và hướng dẫn bà con cách trồng loại cây sao cho phù hợp điều kiện đặc thù khí hậu, tự nhiên, đất, nước mỗi địa phương khác nhau.

Tháng trước, em có chuyến công tác ở huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) để chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác và hướng dẫn người dân trồng cây hoa sen. Chuyến đi xa nhưng đổi lại được làm việc với người nông dân giúp em truyền tải nội dung, lắng nghe khó khăn trong quá trình canh tác nông nghiệp của bà con, đúc rút kinh nghiệm “mang về”.

Cũng trong tháng đó, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất năm 2022 tổ chức. Hoa sen ở tỉnh Thái Bình và Hà Nội vận chuyển vào rất nhiều, trong đó có giống sen chưa trồng ở tỉnh Đồng Tháp nên dễ chết. Em nhận nhiệm vụ chăm sóc chính cho hoa sen, phục vụ lễ hội được “bung lụa” và hoàn hảo nhất.

Ấn tượng trong chuyến đi này là ở miền Bắc, sen chỉ trồng theo mùa từ tháng 5 đến tháng 8, chủ yếu làm cảnh đẹp, còn ở miền Nam, sen được trồng quanh năm và như một loại cây trồng chính, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây lúa”, Phương Anh kể.

Phương Anh hoàn thành nhiều báo cáo về quy trình kỹ thuật canh tác hoa sen và hoa lan. Trong đó, kỹ thuật canh tác hoa sen được Phương Anh chuyển giao thành công ở tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc…

Hành trình tìm kiếm cơ hội trên bản đồ thế giới

Thời sinh viên, bất kỳ chương trình trao đổi sinh viên quốc tế nào, Phương Anh luôn là “người tiên phong” tham gia tích cực.

Nhớ lại khoảng thời gian được tham gia chương trình trao đổi sinh viên ở Đại học Nagoya (Nhật Bản), Phương Anh cho biết:

“Chuyến đi không chỉ cho em mở rộng “tầm mắt”, mà còn giúp em có góc nhìn nhận, so sánh trình độ kỹ thuật nông nghiệp canh tác giữa nước bạn với nước nhà, từ đó, cơ bản thấy được điểm mạnh và hạn chế ngành nông nghiệp Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Đặng Thị Phương Anh (thứ 3, từ trái sang) tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Đại học Utsunomiya, Nhật Bản. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). 

Tiếp xúc bạn bè, giảng viên quốc tế, tiếp cận trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài, từ đây, Phương Anh nung nấu ước vọng được đi nhiều hơn, đến nhiều nước trên thế giới để trải nghiệm, học hỏi và trau dồi kiến thức, chuyên môn ở lĩnh vực nông nghiệp.

Nối tiếp thành tích nổi bật khi mới ra trường, Phương Anh có kết quả nghiên cứu được trình bày trong 2 bài đăng trên 2 tạp chí quốc tế uy tín là Agronomy (Q1) và Journal of Ecological Engineering (Q3).

Với khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, hướng nghiên cứu rõ ràng, triển vọng và được định hướng bởi Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Khoa Nông học, và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Phương Anh đã thuyết phục Hội đồng xét tuyển trở thành 1 trong 5 người trên thế giới của lĩnh vực nông nghiệp nhận được hỗ trợ từ quỹ Bayer Foundation để nghiên cứu sau đại học tại Đức ngày 6/6/2022 với đề tài: “Effect of salt stress on germination and physiological parameters of native lotus plants (Nelumbo nucifera) found in Vietnam” (Ảnh hưởng của mặn đến sự nảy mầm và các chỉ tiêu sinh lý của cây sen bản địa Việt Nam (Nelumbo nucifera).

leftcenterrightdel
Đặng Thị Phương Anh được học bổng nghiên cứu tại Đức của quỹ Bayer Foundation. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). 

Là người dẫn dắt Phương Anh “chinh chiến” tại nhiều đấu trường nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học thực vật, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Ở Phương Anh luôn có sẵn năng lượng nhiệt huyết của người đam mê với cây trồng. Tôi rất mừng vì tinh thần hiếu học, không ngại khó, ngại khổ của Phương Anh”.

Điều kiện bắt buộc của một nhà khoa học về khoa học nông nghiệp là có kiến thức về công nghệ sinh học. Người có chuyên môn thì chỉ cần đúng tỷ lệ là hoàn thành thí nghiệm. Nhưng Phương Anh học chuyên ngành khác nên đây là một trở ngại không nhỏ.

Ngày đầu làm thí nghiệm, Phương Anh lúng túng, làm sai và làm đi làm lại hơn 1 tháng mới ra kết quả. Song, kỹ năng làm thí nghiệm của Phương Anh tiến bộ rất nhanh. Bởi em có kiến thức nền tốt, luôn tìm và lĩnh hội cái mới rất chủ động.

Bản thân Phương Anh đã học chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh và với 7.0 IELTS đạt được năm 2021 nên cũng là lợi thế giúp Phương Anh giành học bổng ở Đức.

Bằng kỹ năng ngoại ngữ, tư duy sắc bén, Phương Anh đã có những bài báo khoa học bằng tiếng Anh rất tốt.

Tôi luôn động viên Phương Anh phải nỗ lực, không chỉ giải quyết đề tài nghiên cứu tiến sĩ là xong mà cần phải trau dồi phương pháp nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận cao học vì Phương Anh từ đại học học thẳng lên tiến sĩ nên việc này nhất thiết phải thực hiện song song”.


Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học thực vật, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Chia sẻ về hành trình “rinh” học bổng danh giá, Phương Anh xúc động kể, vì quyết tâm theo đuổi con đường học vấn, em mạnh dạn đề xuất nguyện vọng học cao học với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải và được thầy chấp thuận.

Bằng sự chủ động của bản thân, Phương Anh đã tìm kiếm và viết email gửi cho một số trường đại học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp ở nước ngoài.

“Lúc nhận được email phản hồi của Leibniz University Hannover em rất hạnh phúc. Đây là ngôi trường em mong ước đặt chân đến học và nghiên cứu từ rất lâu. Ở đó cũng có vị giáo sư mà em thần tượng. Và thật bất ngờ khi người trả lời email chính là vị giáo sư đó. Cô đồng ý giới thiệu em với nhà trường. Và kết quả em nhận được hỗ trợ từ quỹ Bayer Foundation để nghiên cứu sau đại học tại Đức”, Phương Anh kể lại.

Được biết, học bổng toàn phần tại Đức có trị giá 10.000 Euro (khoảng hơn 236 triệu đồng), hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt, di chuyển, nghiên cứu, bảo hiểm và lương hàng tháng, giúp Phương Anh có thể tập trung hoàn toàn vào công việc nghiên cứu tại một trong những viện nghiên cứu hàng đầu ở Đức.

“Em nghiên cứu hoa sen vì đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao được nước ta chú trọng phát triển nhằm thay thế nhiều loại cây khác. Em mong muốn tạo ra công trình khoa học tính ứng dụng cao để góp phần cải tiến, phát triển nền nông nghiệp nước ta”, Phương Anh chia sẻ.

Ngọc Mai - báo Giáo dục Việt Nam