Ngày 04 tháng 10 năm 2024, tại Thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar khoa học tháng 10 với hai nội dung:
Nội dung 1: Nghiên cứu phát triển phân bèo hoa dâu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ do TS. Vũ Duy Hoàng trình bày.
Bèo hoa dâu (Azolla) là loài cây sống cộng sinh với vi khuẩn lam, do đó chúng có khả năng cố định đạm. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh bèo hoa dâu là cây giàu đạm, sinh trưởng nhanh, có tiềm năng sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón sẽ giảm lượng đạm hóa học sử dụng, cải thiện được sức khỏe đất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, đồng thời bảo vệ môi trường. Hơn nữa, phân bèo hoa dâu chứa đa dạng các yếu tố dinh dưỡng thiết yếu cho cây với hàm lượng chất hữu cơ cao.
|
|
TS. Vũ Duy Hoàng trình bày seminar |
Trước xu hướng phát triển nhanh chóng của nông nghiệp hữu cơ, đặt ra yêu cầu cần thiết phải phát triển bèo hoa dâu như là phân bón thương mại. TS. Vũ Duy Hoàng và nhóm nghiên cứu đã tiến hành sản xuất thử nghiệm sản xuất phân bèo hoa dâu dạng khô và dạng dung dịch dinh dưỡng. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng cả hai dạng phân bèo hoa dâu đều cho hiệu quả rất tốt với sinh trưởng và năng suất các cây trồng. Sinh trưởng và năng suất các cây rau được cải thiện rõ rệt so với công thức bón phân chuồng truyền thống. Do đó có thể sử dụng phân bèo hoa dâu thay thế cho các loại phân truyền thống trong sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu này mở ra hướng sản xuất thương mại phân hữu cơ bèo hoa dâu phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.
Nội dung 2: Ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn do ThS. Bùi Thị Hồng Hà trình bày
Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là một quá trình sản xuất nông nghiệp khép kín, các chất thải và các phế phụ phẩm sẽ được tái tạo, trở thành nguyên liệu đầu vào của các quá trình sản xuất khác. Qua đó giúp tối ưu việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí, và hạn chế các tác động có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chất thải trong chăn nuôi (phân gia súc/gia cầm, cá, trứng …) hay phế phụ phẩm trong trồng trọt (rơm rạ, vỏ trái cây, vỏ cà phê, thân lá cây họ đậu …) đều có thể tái sử dụng thành phân bón hữu cơ cho trồng trọt. Ủ phân hữu cơ là một quá trình xảy ra trong tự nhiên bằng cách lên men các chất hữu cơ bởi vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác. Tuy nhiên, để đẩy nhanh khả năng phân hủy sinh học, một số chủng chức năng đã được cấy vào cộng đồng vi sinh vật bản địa trong các đống ủ nhằm gia tăng, thúc đẩy hệ thống vi sinh vật có ích, tăng cường hiệu quả của quá trình ủ, giúp phân giải các chất khó tan, tạo ra phân bón tự nhiên giàu chất dinh dưỡng đồng thời khử mùi hôi trong quá trình ủ phân.
|
|
ThS. Bùi Thị Hồng Hà trình bày seminar |
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các chế phẩm vi sinh như EM hay EMUNIV xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi gia cầm, giúp rút ngắn thời gian ủ và tăng chất lượng của phân thành phẩm. Sử dụng phân bón này trong canh tác một số loại rau ăn lá (cải chíp, mồng tơi, xà lách, cần tây, cải ngồng …) giúp cứng cây, lá to dày, năng suất tăng 20-40%, đồng thời giảm sâu bệnh rõ rệt. Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành mô hình xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa bằng chế phẩm vi sinh EMUNIV tại nhiều địa phương trong cả nước như Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên … đem lại hiệu quả cao, giúp xử lý nhanh rơm rạ, không cần thời gian nghỉ gối vụ.
Buổi seminar đã diễn ra sôi nổi, các thành viên tham dự đã thảo luận, trao đổi rất tích cực về kết quả nghiên cứu của các nhóm, đồng thời đưa ra thêm các định hướng nghiên cứu để phát triển các hệ thống canh tác bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Phan Thị Thủy – Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái