Ngày 24 tháng 9 năm 2024, tại Thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar khoa học tháng 9 với hai nội dung:

Nội dung 1: Than sinh học và xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Ái Nghĩa trình bày.

          Hàng năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên thế giới tạo ra một lượng phế phụ phẩm rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam năm 2022 thải ra 45 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 30-50 triệu tấn chất thải thực vật khác và khoảng 80 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Phần lớn nguồn phế phụ phẩm này chưa được tái sử dụng đúng cách, như rơm rạ chủ yếu được đốt ngoài đồng (45,9%), gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính gồm khí mê-tan (CH4), cacbon monoxit (CO), nitơ oxit (NOx) … Bên cạnh đó, thực trạng đất canh tác đang bị thoái hóa đe dọa nghiêm trọng an ninh lương thực. Để giải quyết những thách thức này, các nhà khoa học đã nghiên cứu sản xuất và ứng dụng than sinh học (Biochar, BC) nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.


TS. Nguyễn Thị Ái Nghĩa trình bày seminar 

Than sinh học (BC) được biết đến như một sản phẩm của quá trình nhiệt phân (pyrolysis) các vật liệu hữu cơ (rơm rạ, vỏ cây, phân chuồng…) trong điều kiện có ít hoặc không có oxy. BC thường được đặc trưng bởi diện tích bề mặt cao và sự có mặt của các nhóm chức năng trên bề mặt (hydroxyl, carboxyl, carbonyl và những nhóm khác). Do sự đa dạng của các nhóm chức năng trên bề mặt, BC có khả năng hấp thụ các ion dinh dưỡng khác nhau (N, K, Mn và P), khả năng cố định các chất ô nhiễm, làm chậm/điều chỉnh quá trình giải phóng chất dinh dưỡng, cải thiện tính chất của đất hoặc cô lập carbon. Do vậy, BC có tiềm năng lớn trong việc điều chỉnh tính chất và độ phì nhiêu của đất, tăng cường hoạt động của vi sinh vật và cải thiện sự phát triển của cây trồng.

Nội dung 2: Nghiên cứu ảnh hưởng của phương pháp đảo trộn đến chất lượng phân ủ từ phế phụ phẩm nông nghiệp do TS. Thiều Thị Phong Thu trình bày

          Ủ phân là phương pháp hiệu quả để chuyển đổi phế phụ phẩm thành phân bón chất lượng. Phân ủ cải thiện tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất; tạo điều kiện cho cây trồng và sinh vật đất sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định. Tuy nhiên, quy trình ủ bao gồm nhiều bước, đặc biệt là việc theo dõi nhiệt độ để xác định thời điểm đảo trộn phức tạp, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng kỹ thuật này trong sản xuất. Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của hai phương pháp đảo trộn là đảo trộn theo chu kì 3 ngày một lần (P1) và đảo trộn theo nhiệt độ đống ủ khi nhiệt độ lớn hơn 720C (P2) đến chất lượng phân ủ từ rơm, lá bắp cải và phân gà. Kết quả cho thấy hai phương pháp đảo trộn cho hiệu quả tương đương nhau về diễn biến nhiệt độ và lượng phân ủ thành phẩm. Phân ủ bằng phương pháp đảo trộn định kì có hàm lượng chất hữu cơ, N, P, K cao hơn phân ủ bằng phương pháp đảo trộn theo nhiệt độ (64,45%, 3,095%, 2,69%, 0,765% so với 58,27%, 2,85%, 2,22%, 0,565%). Đồng thời, phân ủ từ P1 ở thời điểm 6 và 8 tuần cho chiều dài mầm lớn hơn có ý nghĩa so với P2. Ở cả hai phương pháp đảo trộn, phân ủ có thời gian ủ lâu hơn đều ảnh hưởng tốt hơn đến chiều dài mầm, chiều dài rễ, tỷ lệ nảy mầm, và chỉ số nảy mầm.


TS. Thiều Thị Phong Thu trình bày seminar 

Các thành viên tham dự seminar đã thảo luận sôi nổi về kết quả và định hướng nghiên cứu của các nhóm tác giả và cho rằng đây đều là những hướng nghiên cứu rất có ý nghĩa, có giá trị khoa học và thực tiễn. Đồng thời, nhóm cũng đã đưa ra những gợi ý để các tác giả có thể triển khai các bước nghiên cứu tiếp theo.

 

Phan Thị Thủy – Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái