Dạ yến thảo được lai tạo thành công và trở thành gương mặt mới góp mặt trong bộ sưu tập những loài thực vật hoa màu đen trên thế giới. Dạ yến thảo bao gồm các loài, loài lai và các giống lai thuộc chi Dạ yến thảo, họ Cà (Solanaceae), lớp Hai lá mầm. Dạ yến thảo được chia làm hai nhóm dựa vào cấu trúc hoa là Dạ yến thảo kép và Dạ yến thảo đơn. Cây Dạ yến thảo có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới của Nam Mỹ và được lan rộng sang các nước có khí hậu tương tự trong đó có Việt Nam, cây cao từ 0,3-1,0 m, thân thảo với hình thái và màu sắc hoa đa dạng. Cây sai hoa, ra hoa quanh năm nếu được chăm sóc tốt, là một trong những loài hoa trồng chậu để trang trí trong nhà, ban công, đường phố, công viên phổ biến trên toàn thế giới.
|
|
Hình 1. Dạ yến thảo đen (Sưu tầm) |
Ngày nay, nhu cầu cây giống Dạ yến thảo ngày càng tăng, đặc biệt là giống Dạ yến thảo cánh kép, giống có màu sắc đặc biệt, mới du nhập vào Việt Nam. Dạ yến thảo thường được nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành. Tuy nhiên, hạt Dạ yến thảo nhỏ và rất chậm để xử lý nhân giống, có tỷ lệ nảy mầm không cao (60%), còn hệ số nhân giống bằng phương pháp giâm cành thấp, sức sống kém. Vì vậy, nguồn cung cây giống Dạ yến thảo cho thị trường hiện nay chủ yếu từ nuôi cấy mô tế bào thực vật.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu nuôi cấy mô đã được tiến hành trên một số giống Dạ yến thảo phổ biến như nhân in vitro giống Dạ yến thảo hoa hồng sọc tím bằng chồi được tái sinh từ đoạn thân mang mắt ngủ hay nhân giống từ mô lá cây in vitro của giống Dạ yến thảo tím hồng với kết quả 100% các chồi in vitro tái sinh thông qua hình thức mô sẹo…
Mặc dù, có rất nhiều nghiên cứu nhân giống in vitro Dạ yến thảo trong và ngoài nước, nhưng có rất ít nghiên cứu được thực hiện trên giống Dạ yến thảo kép. Do vậy, nhóm tác giả thuộc khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu xây dựng hệ thống tái sinh in vitro cho giống Dạ yến thảo kép đen đang được ưa chuộng trên thị trường nhằm cung cấp cây giống phục vụ nhu cầu của người trồng Dạ yến thảo.
|
|
Hình 2. Hình thái hoa và các giai đoạn tái sinh in vitro của giống Dạ yến thảo kép đen
Chú thích: (a) Hình thái hoa của giống Dạ yến thảo kép đen ‘Midnight Gold’, (b) Giai đoạn tái sinh chồi, (c) Giai đoạn dưỡng chồi, (d) Giai đoạn tạo cây hoàn chỉnh
|
Qua nghiên cứu cho thấy: cây in vitro của giống Dạ yến thảo kép đen thích nghi tốt với điều kiện nhà lưới, với tỷ lệ sống đạt 100% sau 1 tuần ra ngôi. Sau 4 tuần ra ngôi tỷ lệ sống đạt 75% với cây con có chiều cao 7,83 cm, số lá đạt 16,55 lá/cây, tăng trưởng 6,4 lá/cây so với khi ra ngôi 1 tuần. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Habas & cs. (2019) trên cây con Dạ yến thảo in vitro thích nghi thành công khi trồng trong chậu chứa giá thể peatmoss trong điều kiện phòng thí nghiệm với tỷ lệ sống đạt 70%. Theo Habas & cs. (2019), khả năng thích nghi của cây giống ở giai đoạn huấn luyện chứng tỏ cây con in vitro có chất lượng tốt, khỏe mạnh trước khi được đưa ra ngôi.
Như vậy, quy trình tái sinh in vitro từ mô lá phù hợp cho giống Dạ yến thảo kép đen ‘Midnight Gold’ như sau: Lá xanh, vô trùng của giống Dạ yến thảo kép đen sau khi khử trùng bằng HgCl2 0,1% trong 10 phút được được cắt thành các mảnh 0,5 x 0,5 cm và cấy vào môi trường MS + 1,0 mg/l BA + 30 g/l sucrose + 6,5 g/l agar để tạo mô sẹo và tái sinh chồi. Đoạn chồi ngọn tái sinh từ mô lá, dài 1,3-1,5 cm được cấy vào môi trường MS + 30 g/l sucrose + 5% nước dừa + 6,5 g/l agar để dưỡng chồi. Còn đoạn thân mang một mắt ngủ tái sinh từ mô lá được cấy vào môi trường MS + 30 g/l sucrose + 10% nước dừa + 6,5 g/l agar để dưỡng chồi. Chồi in vitro sau giai đoạn dưỡng chồi dài 2 cm được cấy vào môi trường MS + 30 g/l sucrose + 0,1 g/l AC + 6,5 g/l agar để tạo cây hoàn chỉnh. Cây con in vitro được trồng trên giá thể peatmoss thích nghi tốt sau 4 tuần ra ngôi với tỷ lệ sống đạt 75%, chiều cao cây đạt 7,83 cm, số lá đạt 16,55 lá/cây.
Link thông tin chi tiết truy cập tại: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2024/12/tap-chi-so-11.4.pdf
Đào Hương - Nhà xuất bản Học viện