Có 11 bài đăng trên tạp chí ISI và Scopus, Thạc sĩ Lã Hoàng Anh vừa nhận hai học bổng tiến sĩ với mức hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.

Hợp chất đắt hơn vàng 30 ngàn lần được tìm thấy từ cây lúa

Thạc sĩ Lã Hoàng Anh. Ảnh: Dương Tâm

Thạc sĩLã Hoàng Anh. Ảnh:Dương Tâm.

Hai tháng qua, Lã Hoàng Anh (28 tuổi), Viện Di truyền nông nghiệp liên tiếp nhận tin vui từ Pháp và Nhật sau 5 tháng nộp hồ sơ xin học bổng tiến sĩ của chính phủ hai nước. "Đầu tháng 4, email thông báo trúng học bổng từ Pháp khiến tôi vỡ òa vì Pháp là điểm đến bất kỳ nghiên cứu sinh nào cũng mong muốn nhờ uy tín về học thuật cùng trang thiết bị hiện đại. Tháng 6, tôi tiếp tục nhận được thông báo học bổng từ Nhật - nơi tôi từng học thạc sĩ hai năm", Hoàng Anh chia sẻ.

Để nhận được học bổng toàn phần với mức hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho ba năm, Hoàng Anh đã phải vượt qua vòng sát hạch hồ sơ về năng lực học tập, nghiên cứu và nhiều cuộc kiểm tra, phỏng vấn với chuyên gia. Đại học Hiroshima (Nhật Bản) là lựa chọn của anh vì có thể tiếp tục nghiên cứu, phát triển đề tài từ lúc học thạc sĩ tại đây.

Cùng với các nhà khoa học thuộc phòng Sinh lý thực vật và Hoá sinh (Đại học Hiroshima), Ths Hoàng Anh sẽ có ba năm tìm hiểu sâu về những hợp chất thứ cấp trong cây lúa, tập trung vào Momilactones A và B - hợp chất có giá trị cao hơn vàng 30.000 lần; đồng thời xác định QTLs/genes liên quan. Từ đó, anh có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu như lai chuyển QTLs/genes liên quan đến Momilactones vào các giống lúa thương phẩm nhằm tăng hàm lượng hợp chất này bởi nó có tiềm năng cao trong chống oxi hoá, ung thư và đã được chứng minh là có khả năng chống tiểu đường, béo phì và gút.

Đã có lúc định bỏ cuộc

Từng là học sinh lớp chuyên Sinh của trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, lại có bố làm trong ngành Nông nghiệp, Hoàng Anh sớm định hướng, chọn theo học chuyên ngành Khoa học cây trồng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ngay từ năm thứ hai đại học, khi được tiếp cận với những nghiên cứu và máy móc hiện đại của văn phòng Jica (Nhật Bản) đặt trụ sở tại học viện, Hoàng Anh đã quyết định theo con đường nghiên cứu.

Một năm sau, thầy giáo giới thiệu sang Viện Di truyền nông nghiệp thực tập, Hoàng Anh làm khóa luận rồi được giữ ở lại làm sau khi tốt nghiệp. Năm 2015, trúng học bổng du học thạc sĩ tại Đại học Hiroshima, với hai năm học tại Nhật. Đến nay, Hoàng Anh đã có 11 bài đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus cùng nhiều bài đăng trên tạp chí, hội thảo quốc tế. 

Trong khoa học, để có bài báo đăng tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus không phải dễ dàng. Sở hữu 11 bài đã công bố, Hoàng Anh cho rằng đó mới là những bước đầu trên con đường nghiên cứu khoa học.

Nhắc tới lần đầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế (năm 2016), khi đang học thạc sĩ tại Nhật, nghiên cứu trẻ gốc Hà Nội nhớ tới những khó khăn khiến anh nhiều lúc nản lòng. Khi đó, anh tham gia làm một bài báo khoa học về hoạt tính đối kháng của cây lúa dưới những điều kiện chống chịu khác nhau.

"Viết bài báo khoa học bằng tiếng Việt đã khó, bằng tiếng Anh lại càng khó hơn. Tôi đã tưởng mình không bao giờ làm được vì rất áp lực, đôi lúc muốn bỏ cuộc", Hoàng Anh nói và nhớ lại đã bị sửa đi sửa lại những lỗi sai ngữ pháp, cách dùng từ, câu lủng củng, không phù hợp với một công bố khoa học.

Nghĩ rằng không thể theo con đường nghiên cứu mà không có công bố quốc tế, sau những đêm không ngủ, email qua lại với thầy hướng dẫn tới 3 - 4h sáng, bị một số tạp chí trả bài về cùng những phản biện, anh tiếp tục sửa, nâng cao chất lượng bài để cuối cùng được đăng trên một tạp chí uy tín về cây trồng với chỉ số IF: 2,632.

"Đầu tiên thấy sợ, khi làm được 2-3 bài thì thấy đam mê, rồi say với những nghiên cứu. Nếu không vượt qua khó khăn mà bất kỳ nhà khoa học nào cũng gặp phải, tôi sẽ chẳng thể nhìn thấy thành quả của mình", Hoàng Anh nói và cho rằng chính những bài báo quốc tế là yếu tố quan trọng giúp anh trúng tuyển học bổng của Pháp và Nhật.

Là thầy hướng dẫn, PGS Trần Đăng Khánh, Trưởng bộ môn Kỹ thuật di truyền (Viện Di truyền nông nghiệp), mong muốn sau khi hoàn thành tiến sĩ, Hoàng Anh giành tiếp cơ hội hai năm sau tiến sĩ ở Nhật Bản để tích lũy đủ kinh nghiệm, kỹ năng trước khi quay lại Viện Di truyền nông nghiệp.

Tháng 9 tới Hoàng Anh trở lại Nhật Bản. Hiện anh đang thu thập khoảng 40 dòng lúa hoang dại, mang những mẫu lá, thân, rễ, hạt sang tiếp tục nghiên cứu. Hướng nghiên cứu về hợp chất thứ cấp Momilactones trong lúa rất tiềm năng và có nhiều ứng dụng thực tế. Hiện rất ít phòng thí nghiệm trên thế giới có thể tách chiết hợp chất này, trong đó có phòng Sinh lý thực vật và Hoá sinh của Đại học Hiroshima.

"Tôi hy vọng sẽ có những công bố khoa học về hợp chất này và nếu có thể sẽ mở rộng nghiên cứu thêm những hợp chất thứ cấp hữu ích khác trên cây lúa bởi đây là loại cây trồng phổ biến và tiềm năng ở Việt Nam", Ths Hoàng Anh nói.

Theo vnexpress.net