|
|
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 3 từ trái) nghe chia sẻ về mô hình giám sát nhiệt độ, độ ẩm cho nhà màng, nhà kính của sinh viên - Ảnh: C.TUỆ |
Khởi nghiệp cần kiên trì
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp thành công với các sinh viên, chị Trần Anh Xuân (còn được gọi là "Xuân tía tô", 34 tuổi, ở Sa Pa, Lào Cai) cho biết sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chị đã lên Sa Pa làm công tác nghiên cứu cây trồng một thời gian, sau đó chị tách ra để khởi nghiệp nông nghiệp.
Theo chị Xuân, năm 2017, chị cùng một số cộng sự thành lập Hợp tác xã Sa Pa Secrets.
"Thời điểm đó du lịch Sa Pa phát triển rất mạnh mẽ, chúng tôi đã nảy ý tưởng làm nông nghiệp kết hợp du lịch.
Sau một năm có sản phẩm và được thị trường đón nhận thì hợp tác xã "tất tay" để vay vốn, mở rộng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch.
Vừa đầu tư xong thì COVID-19 ập đến, khi đó hợp tác xã chỉ vận hành được một tuần, sau đó liên tục phải dừng vì giãn cách xã hội.
Khi ấy, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch thất bại và thổi bay hơn 1 tỉ đồng tiền vốn đầu tư của tôi" - chị Xuân kể và cho biết quãng thời gian đó chị gặp khá nhiều khó khăn, người thân trong gia đình rất lo lắng, động viên cứ bình tĩnh, nhưng chị vẫn tự tin bảo rằng không có chuyện gì cả vì "còn thở là còn gỡ".
Nhưng "trong cái khó lại có cái may" là dịch COVID-19 thì nhu cầu mọi người dùng cây tía tô nhiều. Từ đó chị mới tập trung phát triển trồng cây tía tô theo hướng hữu cơ để chiết xuất ra các loại sản phẩm từ lá, thân tía tô để hỗ trợ trị COVID-19.
Những sản phẩm tía tô khi ấy được mọi người đánh giá cao, nên hợp tác xã của chị liên tục mở rộng diện tích trồng và đầu tư nhà xưởng.
"Dù những năm qua cũng có những lúc tôi gặp chút khó khăn nhưng với tinh thần không bỏ cuộc, đến nay hợp tác xã đã có hệ thống nhà xưởng để nấu tinh dầu, nấu cao, làm trà và làm bột tía tô với công suất 30.000 sản phẩm/năm.
Đồng thời hợp tác xã đang liên kết với một đơn vị để sản xuất mỹ phẩm với 70.000 sản phẩm/năm" - chị Xuân nói và cho biết hiện trung bình mỗi năm hợp tác xã đang bán, phân phối 100.000 sản phẩm ra thị trường, trong đó có đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài. Doanh thu hằng năm tăng trưởng 30-50%/năm.
Trải qua gần 10 năm khởi nghiệp ngành nông nghiệp, chị Xuân khuyên những sinh viên đang có ý tưởng khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp hãy tận dụng cơ hội học tập khi còn ngồi ở ghế nhà trường.
"Làm nông nghiệp rủi ro cao và khó khăn nên các bạn hãy kiên trì, không quản ngại khó khăn. Thứ ba, hãy tận dụng và xây dựng các mối quan hệ xung quanh bản thân để khởi nghiệp thuận lợi hơn" - chị Xuân chia sẻ thêm.
|
|
Chị "Xuân tía tô" chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các sinh viên - Ảnh: C.TUỆ |
"Cần thay đổi sang triết lý thực học - thực nghiệp"
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết hội nghị nhằm định vị lại việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hệ thống các trường của bộ.
Theo ông Hoan, trong trường học hội đủ hết các yếu tố có thể giúp các em khởi nghiệp, bởi sản phẩm không chỉ là chế biến hay trồng trọt, mà còn bao bì, marketing, ứng dụng công nghệ số... Do đó môi trường giáo dục là môi trường khởi nghiệp thuận lợi nhất, bởi ở đó có tất cả các bộ môn tích hợp vào một sản phẩm.
"Nhiều khi thực học, thực nghiệp tách rời, đôi khi chúng ta xem nó là một phong trào để dự thi, nhưng đó không phải là đích đến cuối cùng. Chúng ta cần thay đổi hình thức học toàn lý thuyết sang vừa kết hợp lý thuyết với thực hành.
Khi các sinh viên nêu ra ý tưởng thì các thầy cô vun đắp vào cho các em để kết thúc là sản phẩm được thương mại hóa.
Điều này kích hoạt cho các em sinh viên, kích hoạt cho thầy cô để cùng chăm lo một mục tiêu cuối là các bạn sinh viên sẽ là một ông chủ nhỏ, rồi sau đó có thể trở thành ông chủ lớn, thậm chí có thể mơ về một ông Jack Ma" - ông Hoan nói.
Báo - https://tuoitre.vn/