Tầm nhìn và sứ mệnh

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu vào thị trường Châu Á. Tuy nhiên, việc quy hoạch, phân vùng và sản xuất nguyên liệu dược vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế của xã hội.  Việc khai thác dược liệu quá mức, không đi đôi với phát triển và bảo tồn đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng các loài dược liệu quý trong tự nhiên. Dự đoán trong thời gian tới, phát triển dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường quốc tế về dược liệu và dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Trong khi đó tất cả các trường Đại học khối ngành kỹ thuật Nông Lâm ngư và các trường Dược đều không có chuyên ngành hay ngành đào tạo kỹ sư chuyên ngành cây dược liệu với các kiến thức về khoa học trồng trọt, sơ chế biến bảo quản dược liệu…. Những chuyên gia về dược liệu ngày nay, chủ yếu đều là cán bộ kỹ thuật được đào tạo chung về Nông nghiệp, nên thiếu những kiến thức chuyên sâu về dược liệu.

Trước yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước, đồng thời để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng của nguồn nguyên liệu làm thuốc ở nước ta, cần thiết mở ngành chuyên ngành đào tạo Khoa học cây dược liệu như một chương trình hành động có tính chiến lược. Do vậy năm 2015, Khoa Nông học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mở Chuyên ngành Khoa học cây dược liệu với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng về tuyển chọn, nhân giống, chăm sóc cây dược liệu nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao, phục vụ sản xuất, bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành dược bền vững.

Đội ngũ giảng viên

 Đội ngũ giảng viên bao gồm các chuyên gia đầu ngành về khoa học cây trồng, chọn giống, bảo vệ thực vật, khoa học bảo quản và sơ chế dược liệu, kinh tế thị trường tiêu thụ…Đặc biệt, chuyên ngành có liên kết và hợp tác với các chuyên gia, nhà kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm.

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

Hiện tại chuyên ngành có 2 phòng thí nghiệm, 1 phòng thực hành, khu nhà lưới, khu thí nghiệm cây thuốc và vườn tập đoàn cây thuốc đa dạng phục vụ học tập, nghiên cứu. Trong thời gian tới, chuyên ngành sẽ được trang bị thêm 3 phòng nghiên cứu phục vụ phân tích và nghiên cứu cây dược liệu chuyên sâu.

Cơ hội việc làm

 Sinh viên sau khi tốt nghiệp Chuyên ngành cây dược liệu có cơ hội làm việc trong những cơ quan, doanh nghiệp  hoạt động về lĩnh vực khoa học cây trồng. Ngoài ra sinh viên còn có cơ hội làm việc trong các Viện nghiên cứu, cơ quan doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển cây dược liệu, các công ty cung ứng cây dược liệu, kinh doanh các sản phẩm cây dược liệu phục vụ dược phẩm.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Cựu sinh viên đang làm việc tại công ty dược phẩm Traphaco

Sản phẩm chè dược liệu phát triển bởi bộ môn Cây công nghiệp và cây thuốc