Cây Nát moong (Inula cappa (Buch-ham.ex D.Don) DC) thuộc họ Cúc (Asteraceae), là một loại cây thảo dược quý của xã Bằng Phúc. Theo y học cổ truyền thì cây có vị cay và tính hơi ấm nên được dùng làm thuốc và được sử dụng để trị một số bệnh như ho khan, ho có đờm; đau đầu do thần kinh, đau thượng vị; hay viêm thận phù thũng; hoặc lưng gối đau mỏi do phong thấp, đòn ngã tổn thương; đẻ xong bị phù thũng, kinh nguyệt không đều, bạch đới; da dẻ nổi mẩn, lở ngứa, trĩ... Ngoài ra, cây còn có tác dụng khu phong, chỉ thống, giảm đau, điều kinh, hoạt huyết, bổ máu, làm ra mồ hôi, trừ đờm, trị hen. Tại xã Bằng Phúc-tỉnh Bắc Kạn, cây Nát moong được sử dụng làm nguyên liệu tạo nên men lá sử dụng để nấu rượu. Cây là một trong 16 loại cây giúp tạo nên hương vị hấp dẫn, ngọt mát và các công dụng tốt cho sức khỏe của món rượu men lá truyền thống của xã. Hiện nay, loài cây hiện nay hầu như đã bị khai thác quá mức và có nguy cơ cạn kiệt. Vậy nên, công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững men rượu truyền thống tại xã Bằng Phúc đang được quan tâm và thực hiện.

leftcenterrightdel
 

Kết quả nghiên cho thấy: Khử trùng bằng Presept 0,5% trong thời gian 10 phút cho hiệu quả khử trùng tốt nhất với tỷ lệ mẫu sống và tỷ lệ mẫu tạo chồi cao nhất. Môi trường cơ bản MS có bổ sung 1,5 ppm BA kết hợp 0,5 ppm α-NAA cho kết quả nhân nhanh chồi tốt nhất với hệ số nhân chồi là 4,02 chồi. Môi trường cơ bản MS có bổ sung 2 ppm BA cho kết quả sinh trưởng và phát triển của chồi tốt nhất với chiều cao chồi trung bình là 5,68 cm, số lá là 8,28 lá và chiều dài lá trung bình là 1,16 cm. Môi trường cơ bản MS 1 ppm α-NAA cho kết quả tạo rễ tốt nhất với chiều dài rễ trung bình là 9,11 cm. Cây ex vitro được tạo điều kiện thích nghi tốt nhất trong giá thể đất kết hợp xơ dừa tỷ lệ 1:2 với tỷ lệ sống cao nhất là 75%, chiều cao cây là 13,50 cm, 8,25 lá, chiều dài lá trung bình là 1,67 cm và chiều rộng lá trung bình là 1,03 cm.

            Nghiên cứu đã xây dựng được quy trình nhân giống in vitro cây Nát moong, góp phần cho công tác nhân giống vô tính cây Nát moong với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát triển bền vững nguồn men rượu truyền thống cho xã Bằng Phúc nói riêng và bảo tồn nguồn gen cây dược liệu cổ truyền nói chung.

Phạm Phú Long - khoa Nông học