Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70% thành phần nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhập khẩu đậu tương tăng nhanh trong những năm gần đây (5,2 triệu tấn vào năm 2017 so với 2,28 triệu tấn vào năm 2012). Trong khi đó, diện tích trồng đậu tương của Việt Nam có khả năng mở rộng được trên các chân đất sau hai vụ lúa (vụ Đông trong cơ cấu luân canh 3 vụ ở đồng bằng Bắc Bộ). Tuy nhiên, các yếu tố khí hậu và đất đai trong đó có ngập úng ở giai đoạn đầu vụ (do mưa lớn và độ ẩm dư thừa sau khi thu hoạch lúa) gây ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm, sức sống và tỉ lệ sống của cây con là nguyên nhân gây giảm năng suất nghiêm trọng.

Thiếu hụt oxy vùng rễ được xác định là yếu tố gây hại chính trong môi trường đất ngập nước. Nguyên nhân là do sự hòa tan của oxy giảm 104 lần trong điều kiện ngập nước so với điều kiện thông thường. Lượng oxy giảm nhanh trong đất ngập nước do được sử dụng trong quá trình hô hấp của cây trồng và của vi sinh vật. Sự thiếu hụt oxy ở vùng hạt sẽ gây ra hiện tượng hô hấp yếm khí ở trong các tế bào, tốc độ của hiện tượng này có xu hướng gia tăng khi ở các mức nhiệt độ cao hơn. Hô hấp yếm khí sản sinh ra nhiều chất độc làm giảm tỷ lệ nảy mầm và sức sống của cây con. Trên thế giới, nghiên cứu đặc điểm chống chịu thiếu hụt oxy vùng hạt rất được quan tâm. Tuy nhiên, rất ít công trình nghiên cứu tác động đồng thời 2 yếu tố nhiệt độ và thiếu hụt oxy đến khả năng nảy mầm của hạt, nguyên nhân là việc nghiên cứu này cần rất nhiều thời gian và công sức.

Xuất phát từ các vấn đề trên, được sự hỗ trợ kinh phí từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhóm nghiên cứu Khoa học cây trồng đã tiến hành nghiên cứu tổng thể về "biểu hiện hình thái và kiểu gen liên quan đến tính chống chịu thiếu hụt oxy vùng hạt trong điều kiện nhiệt độ khác nhau". Nhóm nghiên cứu đã phát hiện và kiểm chứng vai trò của một đoạn gen nằm trên NST số 12 ở cây đậu tương kiểm soát khả năng chịu ngập hạt ở cây đậu tương. Kết quả nghiên cứu đã được nhóm công bố trên tạp chí ISI, Q1: Euphytica.

Một số hình ảnh của công trình nghiên cứu:


 

 

 

Nguyễn Văn Lộc, Nhóm nghiên cứu Khoa học cây trồng, Khoa Nông học