Ngày 20/09/2021, nhóm nghiên cứu mạnh “Nghiên cứu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu” – Khoa Nông học đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với các chuyên đề nghiên cứu:
Chuyên đề 1: “Ứng dụng bột vỏ trứng thay thế nguồn canxi từ đá vôi trong sản xuất lạc và đậu tương” do TS. Vũ Ngọc Thắng, Bộ môn Cây công nghiệp và Cây thuốc trình bày.
Chuyên đề 2: “Ảnh hưởng của lượng phân đạm bón và mức độ che sáng đến sinh trưởng, năng suất và hợp chất chính cây giảo cổ lam (Gynostemma Pentaphyllum Thunb. Makino) vụ Xuân 2021 tại Gia Lâm, Hà Nội” do TS. Thiều Thị Phong Thu, bộ môn Canh tác học trình bày.
Chuyên đề 3: “Đánh giá sinh trưởng và năng suất một số giống hướng dương nhập nội tại Gia Lâm, Hà Nội” do TS. Đinh Thái Hoàng, bộ môn Cây công nghiệp và cây thuốc trình bày.
Mở đầu buổi seminar, TS. Vũ Ngọc Thắng cho biết đối với các loại cây đậu đỗ, bổ sung canxi giúp trung hòa pH đất, xúc tiến hoạt động của bộ rễ và khả năng hình thành nốt sần. Đặc biệt trong sản xuất lạc canxi rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển quả, thiếu canxi khiến tỷ lệ quả lép nhiều, năng suất thấp (Cheema & cs., 1991; Ntare & cs., 2008; Kamara & cs., 2011). Vôi bột sản xuất từ vỏ trứng là nguồn canxi hữu cơ với hàm lượng dinh dưỡng cao (95% canxi cacbonat, ngoài ra rất giàu dinh dưỡng magiê, kali, sắt, phốt pho,…) hiện được sử dụng rộng rãi trên thế giới nhằm thay thế nguồn canxi từ đá vôi.
Nghiên cứu xác định bón vôi bột từ vỏ trứng với lượng 300-400 kg/ha giúp cây lạc và cây đậu tương sinh trưởng, phát triển thuận lợi và năng suất cao hơn hẳn so với công thức đối chứng bón vôi bột từ đá vôi với lượng 500 kg/ha. Đối với lạc, bón lót trước khi trồng, mang lại hiệu quả cao hơn so với khi bón muộn vào thời kỳ ra hoa.
Trong chuyên đề tiếp theo TS. Thiều Thị Phong Thu cho biết Giảo cổ lam là cây dược liệu có giá trị cao với nhiều công dụng như hỗ trợ điều trị tiểu đường, huyết áp, hạ men gan, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tim mạch, được sử rộng rãi làm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và rau ăn. Hiện nay giảo cổ lam trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức, do đó nghiên cứu phát triển mở rộng vùng trồng, tăng vụ để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Giảo cổ lam là cây ưa ánh sáng tán xạ và bộ phân thu hoạch thân lá, nên cần quan tâm tới chế độ che sáng và bón đạm giúp cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, hạn chế tồn dư đạm trong thân lá và duy trì hàm lượng hoạt chất cao nhất.
|
|
|
Nghiên cứu được tiến hành trên giống Giảo cổ lam 5 lá trong vụ xuân tại Hà Nội, với 2 chế độ che sáng (không che sáng và che sáng 30%) và 3 mức đạm bón (90, 120 và 150kg N/ha). Kết quả cho thấy không che sáng sinh trưởng của cây giảm rõ rệt so với che sáng. Bón đạm chỉ có hiệu quả giúp tăng khả năng sinh trưởng và năng suất cây giảo cổ lam trong điều kiện che sáng. Không có sự sai khác về hàm lượng flavonoid giữa các công thức thí nghiệm. Công thức che sáng 30% và bón với lượng đạm 150kg N/ha đem lại hiệu quả cao nhất, cây Giảo cổ lam sinh trưởng, phát triển tốt, hàm lượng chất khô (381,37 g/m2) và năng suất (3,81 tấn khô/ha) đạt cao nhất.
Trong bài giới thiệu chuyên đề 3, TS. Đinh Thái Hoàng cho biết vai trò của cây hướng dương trong công nghiệp sản xuất dầu cũng như trong sản xuất các loại cây thức ăn gia súc và cảnh quan. Trong thực tế sản xuất hiện nay, sản xuất hướng dương chưa được quan tâm đích đáng do chưa có nhiều giống hướng dương phù hợp. Với mục đích tuyển chọn các giống hướng dương theo các mục đích sản xuất khác nhau, đặc biệt phục vụ cho công nghiệp sản xuất dầu, nghiên cứu được tiến hành với 30 mẫu giống hướng dương có nguồn gốc nhập nội khác nhau (Chi Lê, Mỹ, Thái Lan, Canada, Trung Quốc, Pháp và Úc).
Kết quả cho thấy các giống hướng dương sinh trưởng phát triển tốt đặc biệt trong vụ Đông Xuân và vụ Xuân tại Hà Nội. Một số giống hướng dương thấp cây, nhiều hoa, màu sắc hoa đẹp có thể sử dụng làm cây cảnh trồng chậu như G1, G8, G9, G13, G21, G23 và G27. Các giống hướng dương G4, G11, G26 và G28 là các giống sinh trưởng, phát triển tốt nhất, năng suất đạt >30 tạ/ha phù hợp cho sản xuất hướng dương lấy dầu.
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, các thành viên tham dự seminar thảo luận sôi nổi về tiềm năng phát triển giống và các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho sản xuất các cây trồng nói trên. Nhóm cũng thảo luận bổ sung thêm các thí nghiệm và phân tích thêm các chỉ tiêu sinh hóa để hoàn thiện kết quả hướng tới công bố quốc tế cho các thí nghiệm kỹ thuật.
Khoa Nông học