Ngày 19 tháng 07 năm 2021 (thứ 2) 14h00, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác Rau hoa quả và Cảnh quan tổ chức buổi thảo luận chuyên môn theo hình thức online trên phần mềm Ms team.

TS. Vũ Thanh Hải đã trình bày bài “Đánh giá đặc điểm nông sinh học một số giống chanh leo tại Từ Sơn – Bắc Ninh” với các kết quả so sánh các mẫu giống chanh leo và hướng nghiên cứu tiếp theo trên cây chanh leo tại miền Bắc Việt Nam. Việc trao đổi của nhóm cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của chanh leo tại Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số vấn đề khi nghiên cứu trên cây chanh leo là mức độ nhiễm sâu bệnh hại gia tăng theo thời gian trồng, công tác chọn giống và tạo nguồn giống sạch bệnh còn nhiều bất cập, cây chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết. Việc liên kết với các tỉnh thành có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất và tiêu thụ cây chanh leo, và khả năng hợp tác với các chuyên gia ngoài nước về chanh leo là điều kiện thuận lợi để nhóm nghiên cứu mạnh tiếp tục triển khai những nghiên cứu chuyên sâu, nhằm hoàn thiện quy trình canh tác trên loại cây trồng này. 


 

 

TS. Chu Anh Tiệp có buổi trao đổi và thảo luận về “Nguyên lý xây dựng kỹ thuật thâm canh cho bưởi”, trong đó đề cập đến việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra hoa, đậu quả của các giống bưởi đặc sản ở nhiều địa phương, khiến năng suất và chất lượng bưởi không đồng đều theo từng năm, dù áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật. Điều này yêu cầu các nhà khoa học phải tìm hiểu nguyên lý và xác định các nhân tố tác động đến khả năng phân hoá chồi, mầm hoa và đến hình thái, chất lượng quả. Các nguyên lý này đóng vai trò quan trọng trong việc dựa trên các dự báo sớm về thời tiết để đề xuất các giải pháp kỹ thuật điều chỉnh cây bưởi ra hoa đúng vào những thời điểm có điều kiện thời tiết thuận lợi nhằm tăng năng suất và chất lượng quả bưởi. Hiện nay người sản xuất thường sử dụng một số biện pháp như cắt tỉa, điều chỉnh độ ẩm đất để điều chỉnh quá trình ra hoa của cây bưởi. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu lâu dài và chuyên sâu về ảnh hưởng của nhiệt độ lạnh đến phân hoá mầm hoa của các giống bưởi phía Bắc.


 

Cuối cùng, TS. Nguyễn Thị Loan trình bày bài “Ảnhh hưởng của kỹ thuật và mật độ trồng đến quản lý cỏ dại và năng suất cây ngô rau” , trong đó cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các biện pháp quản lý cỏ dại phi hoá học, và kỹ thuật trồng và mật độ trồng là một trong những biện pháp đó. Các thành viên trong nhóm nghiên cứu mạnh cũng đã thảo luận về ưu điểm, nhược điểm một số kỹ thuật trừ cỏ dại thường gặp trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời đề xuất một số hướng nghiên cứu khác trong việc quản lý cỏ dại không sử dụng hoá chất như sử dụng hỗn hợp dầu rửa bát – muối – urea – kali clorua, làm đất, màng che phủ đen, trồng xen… Các nghiên cứu về quản lý cỏ dại phi hoá học có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững, đặc biệt là với nông nghiệp hữu cơ.