Ngày 6/10/2021 nhóm nghiên cứu mạnh Sinh lý – sinh thái cây trồng thuộc Khoa Nông học tổ chức Seminar khoa học thường kỳ với 02 bài trình bày. Bài thứ nhất do TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh trình bày với tiêu đề Ảnh hưởng của các chất cải tạo đất đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và sự tích luỹ cadmium trong cây lúa (Oryza sativa L.) dưới điều kiện đất nhiễm Cadmium”. Cadmium (Cd) là một trong những kim loại nặng độc hại nhất lắng đọng trong đất nông nghiệp thông qua việc sử dụng bùn thải có chứa Cd, bón phân phốt phát, xử lý chất thải cũng như nấu chảy kim loại. Ở cây lúa, sự tích tụ Cd cao trong gạo gây ra một số tác động đến sức khỏe như suy tim, thiếu máu, ung thư, tăng huyết áp, protein niệu, nhồi máu mạch máu não, tổn thương phổi, rối loạn chức năng thận và loãng xương. Một số nghiên cứu đã chỉ ra các chất cải tạo đất như than sinh học và rơm rạ làm giảm sinh khả dụng của kim loại nặng trong đất đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cây trồng (Chen & cs., 2020; Kim & cs., 2018). Do vậy, nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung chất cải tạo đất để hạn chế tác động tiêu cực của kim loại nặng Cadmium đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và sự tích lũy Cadmium trong hạt lúa (Oryza sativa L.). Chất cải tạo đất được áp dụng cho đất lúa bị nhiễm Cd với các tỷ lệ khác nhau: không bổ sung chất cải tạo đất (đối chứng); biochar 2,5% (w/w); biochar 5% (w/w); rơm rạ 2,5% (w/w), rơm rạ 5% (w/w); trộn tỷ lệ 1:1 2,5% (biochar trộn với rơm rạ), trộn tỷ lệ 1:1 5% (biochar trộn với rơm rạ) trong vụ mùa 2020 và vụ xuân 2021 tại nhà lưới khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Kết quả thí nghiệm chỉ ra rằng bón biochar làm giảm nồng độ Cd tích tụ trong hạt lúa, chất cải tạo đất thúc đẩy lúa phát triển và tăng năng suất của hạt. Kết quả cho thấy công thức bón biochar nồng độ 5% giúp cây lúa sinh trưởng tốt và năng suất cao có ý nghĩa ở mức ý nghĩa 95% so với các công thức khác. Hàm lượng Cd tích luỹ trong hạt ở công thức bón 5% biochar ở vụ mùa 2020 và vụ xuân 2021 đạt 0,0168 mg/kg và 0,34 mg/kg tương ứng và đều trong giới hạn an toàn theo quy định. Từ kết quả của thí nghiệm đã chỉ ra rằng đất được bón chất cải tạo đất biochar với liều lượng 5% giúp cho lúa sinh trưởng phát triển tốt và giảm lượng Cd tích luỹ trong hạt.

Bài trình bày thứ 2 do TS. Nguyễn Thị Ái Nghĩa với tiêu đề Nghiên cứu bổ sung dung dịch hữu cơ tự chiết xuất đến sinh trưởng và năng suất của cây rau muống trong hệ thống auqaponics”. Aquaponics là sự kết hợp của nuôi trồng thủy sản và trồng rau thủy canh trong một hệ thống khép kín. Tuy nhiên, chất dinh dưỡng được tái chế từ bể cá có thể không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển và tăng trưởng của rau trong hệ thống thủy canh; do đó cần bổ sung chất dinh dưỡng cho cây để tăng hiệu quả của hệ thống. Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm 1 (Exp1) để đánh giá ảnh hưởng của 03 loại dung dịch dinh dưỡng hữu cơ bón lá đến sinh trưởng và năng suất của rau muống, đó là dung dịch dinh dưỡng hữu cơ tự chiết xuất, và hai loại phân bón hữu cơ thương mại khác là Hydro Fulvic và TCN HUME. Kết quả cho thấy các công thức bổ sung dinh dưỡng hữu cơ làm tăng khả năng sinh trưởng và năng suất của rau muống so với đối chứng (không bổ sung phân bón). Trong số các loại phân bón được thử nghiệm, chúng tôi quan tâm đến dung dịch dinh dưỡng hữu cơ tự chiết xuất vì đó là một giải pháp thân thiện môi trường và kinh tế mà người trồng trọt có thể tự chế biến từ nguồn động thực vật sẵn có. Tiếp tục đánh giá nồng độ dung dịch hữu cơ tự chiết xuất nào thích hợp cho rau muống trong aquaponics, chúng tôi tiến hành thí nghiệm 2 (Exp2). Kết quả của Exp2 chỉ ra rằng sử dụng dung dịch dinh dưỡng tự chiết với nồng độ 1% là tốt nhất cho sinh trưởng, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của rau muống trong hệ thống aquaponic. Kết quả của đề tài là cơ sở để áp dụng mô hình canh tác cá – rau aquaponics quy mô lớn để tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng và hiệu quả cao, đồng thời là một bước nghiên cứu trong việc tạo sản phẩm phân bón lá hữu cơ an toàn, hiệu quả tốt cho hệ thống thủy canh và aquaponics của tập thể cán bộ bộ môn Phương pháp thí nghiệm và Thống kê sinh học.


 

 

Nhóm nghiên cứu mạnh Sinh lý- Sinh thái cây trồng, Khoa Nông học