Dưa lưới (Cucumis melo L.) là loại cây cho sản phẩm quả có hương vị thơm ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, hàm lượng các chất có lợi cho sức khỏe trong quả dưa lưới khá cao nên đây là cây trồng có giá trị cả về kinh tế và dinh dưỡng [1,2]. Trong hệ thống canh tác dưa lưới trong nhà màng, các kỹ thuật áp dụng có thể bao gồm trồng trên đất, trồng bán thủy canh bằng một số loại giá thể hoặc trồng thủy canh. Trong đó, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, canh tác ở quy mô lớn thì kỹ thuật bán thủy canh là phương pháp phổ biến. Trong đó sử dụng giá thể không đất đóng vai trò rất quan trọng do có lợi thế khi xử lý nguồn bệnh, dễ kiểm soát nước và dinh dưỡng [3]. Sử dụng xơ dừa làm giá thể trong canh tác bán thủy canh dưa lưới là một giải pháp thay thế phù hợp cho phương pháp canh tác truyền thống trên đất [4]. Tuy nhiên, tác động lâu dài của việc thải bỏ một lượng lớn giá thể xơ dừa đã qua sử dụng vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Vì vậy, nghiên cứu phương pháp canh tác dưa lưới với việc tái sử dụng giá thể xơ dừa nhằm làm giảm nhu cầu thay thế giá thể mới, góp phần giảm chi phí và chất thải đã được thực hiện.

Trong nghiên cứu này, dưa lưới giống Ti122 (xuất xứ từ Nhật Bản) đã được sử dụng làm vật liệu nghiên cứu. Dinh dưỡng cung cấp cho cây dạng tưới nhỏ giọt, được cải tiến từ dung dịch Hoagland (Đa lượng gồm: KNO3, KH2PO4, MgSO4, Ca(NO3)2, (NH2)2CO, K2SO4. Vi lượng gồm CuSO4, ZnSO4, MnSO4, H3BO3, (NH4)6Mo7O24, Fe-EDTA). Có 4 công thức giá thể: 100% xơ dừa mới và 3 hỗn hợp xơ dừa mới và cũ (1:1, 7:3 và 3:7).

Kết quả cho thấy, các công thức phối trộn xơ dừa cũ và xơ dừa mới với tỷ lệ 1:1, 7:3 hoặc 3:7 cho năng suất cá thể (đạt 1,42-1,51 kg/cây), năng suất lý thuyết (đạt 34,46-36,63 tấn/ha) thấp hơn đối chứng 100% xơ dừa mới (37,72 tấn/ha) nhưng sự sai khác không có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Trong các công thức tái sử dụng xơ dừa cũ, tỷ lệ phối trộn xơ dừa mới: xơ dừa cũ 7:3 cho hiệu quả tốt nhất về độ xốp, độ thoáng khí (đạt lần lượt là 67,14% và 34,28%); khối lượng khô của rễ và thân (đạt lần lượt là 5,66 g/cây và 108,81 g/cây); hàm lượng đường, hương thơm và độ giòn (đạt lần lượt là 11,6%, 33,3% và 66,7%); trong khi tỷ lệ nhiễm bệnh nấm nặng thấp nhất trong các công thức tái sử dụng xơ dừa cũ (13,3%). Kết quả này cho thấy có thể sử dụng giá thể phối trộn xơ dừa mới: xơ dừa cũ với tỷ lệ 7:3 (theo thể tích) nhằm hạn chế rác thải và giảm chi phí trong canh tác dưa lưới.


Hình 1. Xác định kích thước quả dưa lưới Ti122. Trong đó A, B, C, D tương ứng với các công thức giá thể XD mới (100%), XD mới+XD cũ (1:1), XD mới+XD cũ (7:3) và XD mới+XD cũ (3:7) 

Trần Anh Tuấn - Bộ môn Sinh lý thực vật

Tài liệu tham khảo

1.    Nguyễn Thị Kim, Võ Thị Bích Thùy (2022). Ảnh hưởng của biện pháp để trái đến năng suất và chất lượng hai giống dưa lưới trong điều kiện nhà màng tại cơ sở sản xuất, tỉnh Vĩnh Long. Tạp chí khoa học đại học Cửu Long. 27: 63 - 69.

2.    Nguyễn Thị Diễm, Nguyễn Thị Oanh, Trương Thị Hồng Hải, Lã Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Kim Cúc (2020). Nghiên cứu khả năng sinh trưởng phát triển của cây dưa lưới (Cucumis melo L.) trồng trên giá thể hữu cơ từ bã thải trồng nấm. Báo cáo Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc năm 2020. 544 - 549.

3.    Trần Anh Tuấn, Vũ Văn Vương, Phùng Thị Thu Hà, Lương Văn Hưng, Phạm Văn Cương (2024). Nghiên cứu tái sử dụng giá thể xơ dừa trong sản xuất dưa lưới. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Số đặc biệt: Sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp xanh (tháng 12/2024): 134-140.

4.    Saeed, F., Afzaal, M., Niaz, B., Hussain, M., Rasheed, A., Raza, M.A., Umar, M., Khan, M.A., Suleria, H., Tufail, T. and Al Jbawi, E., 2024. Comparative study of nutritional composition, antioxidant activity and functional properties of Cucumis melo and Citrullus lanatus seeds powder. Cogent Food & Agriculture, 10(1), p.2293517.

Apung, A.T., Arni, A., Dewi, S. and Siti, Z., 2023. Growth of melon (Cucumis melo l.) varieties on different plant media compositions in conditions of hydroponic drip irrigation. Russian Journal of Agricultural and Socio-Economic Sciences137(5): 98 - 108.