Cỏ Lào (tên khoa học Chromolaena odorata (L.) hoặc Eupatorium odoratum L.) là loại cây có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và đã được du nhập vào Nam Mỹ, Châu Á nhiệt đới, Tây Phi và một số vùng của Úc (Mc Fadyen and Skarratt, 1996). Các nghiên cứu cho thấy, mặc dù là loài cây mọc hoang dại nhưng C. odorata có đóng góp tích cực cho ngành nông nghiệp. Lá của C. odorata được sử dụng để tạo thành thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là trong chế độ ăn của thỏ, nơi mà thành phần dinh dưỡng tương tự như thức ăn cô đặc (Bamikole et al, 2019). Lá cũng được cho là có giá trị dinh dưỡng cao và có tiềm năng được sử dụng làm chất bổ sung protein cho động vật nhai lại (Apori and Ørskov, 2000). Theo y học cổ truyền, lá tươi hoặc thuốc sắc của C. odorata đã được các nước nhiệt đới sử dụng để điều trị vết đỉa cắn, vết thương ở mô mềm, vết thương bỏng và nhiễm trùng da (Phan et al, 2001). Các nghiên cứu khoa học về tác dụng của dịch chiết lá C. odorata trong điều trị vết vết thương đã được tiến hành và cho thấy kết quả tích cực (Vaisakh and Pandey, 2012). Chiết xuất lá cũng có thể ức chế sự phát triển của vi sinh vật trong vết thương và giúp hình thành tế bào mô mới (Phan et al, 2001). Loại cây này có tiềm năng lớn để thương mại hóa trong ngành dược phẩm. Do đó, các nghiên cứu để phát triển C. odorata thành nguyên liệu cho ngành y học đã được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về giá trị y học của cây cỏ lào cũng đã được thực hiện trong những năm gần đây. Nghiên cứu của Trần Thị Bích Nhung và CS. (2023) đã cho thấy, các dịch chiết từ cây cỏ lào thu thập tại Việt Nam chứa nhiều hợp chất flavonoids và có tiềm năng kháng khuẩn cao. Các kết quả này cũng tương tự như các công bố trước đó (Ngô Quốc Luân và CS (2006), Nguyễn Tường Vy, Nguyễn Tiến Đạt (2013).
Những lý do trên cho thấy tiềm năng to lớn của cây cỏ lào trong y học. Vì vậy, công tác phát triển sản xuất cây cỏ lào, tạo nguồn dược liệu để chế biến thuốc là cần thiết. Từ đầu năm 2025, nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Sinh lý thực vật, Khoa Nông học đã tiến hành thu thập, đánh giá khả năng sinh trưởng các giống cỏ lào tại một số tỉnh phía Bắc, Việt Nam. Các mẫu giống đã được thu thập ở dạng cành sinh dưỡng. Để phục vụ cho công tác nghiên cứu tiếp theo như đánh giá đặc điểm sinh học, khả năng sinh trưởng, phát triển và hàm lượng dược chất. Vì vậy, bước đầu nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhân giống vô tính cây cỏ lào Chromolaena odorata (L.) bằng biện pháp giâm hom.
|
 |
Hình 1. Hình ảnh cây cỏ lào. A) Cành cây cỏ lào; B) Kiểu sắp xếp lá (phyllotaxy); C) Hoa cỏ lào và D) Các chùm hoa cỏ lào mang hạt |
Nghiên cứu được thực hiện bao gồm: Nghiên cứu ảnh hưởng của loại giá thể đến khả năng nhân giống; Nghiên cứu ảnh hưởng của kiểu hom đến khả năng nhân giống. Kết quả nghiên cứu trên mẫu giống cỏ lào thu thập tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho thấy: Loại giá thể có ảnh hưởng rõ rệt đến sự hình thành rễ và phát triển của cây con. Trong các công thức nghiên cứu, loại giá thể cát + trấu hun (tỉ lệ 1:1) cho hiệu quả nhân giống bằng từ cành giâm và khả năng sinh trưởng của cây con khi trồng trên đồng ruộng tốt nhất. Ngoài ra, kích thước hom ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng sống và sinh trưởng của cây cỏ lào. Trong các công thức nghiên cứu, loại hom 5 đốt cho tỷ lệ sống cao, số chồi, số lá và chỉ số diệp lục cao, cho khả năng sinh trưởng của cây con trồng trên đồng ruộng tốt nhất. Các kết quả này có thể ứng dụng trong nhân giống cây cỏ lào, tạo nguồn cây giống phục vụ sản xuất dược liệu cỏ lào.
|
 |
Hình 2. Ảnh hưởng của giá thể (trái) và kiểu hom (phải) đến khả năng nhân giống cây cỏ lào |
Trần Anh Tuấn - Bộ môn Sinh lý thực vật
Tài liệu tham khảo
Ngô Quốc Luân, Nguyễn Ngọc Hạnh, Lâm Thanh Phong (2006). Một số kết quả nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu và flavonoid trong cây cỏ lào. Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, (6), 103-110.
Trần Thị Bích Nhung, Phan Quang Linh, Nguyễn Ngọc Như Ý, Nguyễn Công Minh, Vũ Thùy Anh (2023). Nghiên cứu trích ly flavonoid từ cây cỏ lào (Chromolaena odorata) định hướng làm gel hỗ trợ - sát khuẩn vết thương. Tạp Chí Nông nghiệp Và Phát triển 22(2), 50-59.
Nguyễn Tường Vy, Nguyễn Tiến Đạt (2013). Xác định cấu trúc và hoạt tính chống oxy hóa của một số flavonoid phân lập từ cây cỏ lào (Chromolaena odorata). Tạp chí dược học. Tập. 53 Số. 2
Apori, Castro, & Ørskov. (2000). Chemical composition and nutritive value of leaves and stems of tropical weed Chromolaena odorata. Grass and Forage Science, 55(1), 77-81.
Bamikole, M. A., Babayemi, O. J., Lamidi, A. A., Ayinde, B. A., Ikhatua, U. J., Ojeaga, S., ... & Alaita, O. (2019). Preliminary in vitro screening of some spices and medicinal plants from Edo and Rivers States, Nigeria for reducing enteric methane production in ruminants. Nigerian Journal of Animal Production, 46(2), 258-268.
McFadyen, R. C., & Skarratt, B. (1996). Potential distribution of Chromolaena odorata (siam weed) in Australia, Africa and Oceania. Agriculture, ecosystems & environment, 59(1-2), 89-96.
Phan, T. T., Hughes, M. A., & Cherry, G. W. (2001). Effects of an aqueous extract from the leaves of Chromolaena odorata (Eupolin) on the proliferation of human keratinocytes and on their migration in an in vitro model of reepithelialization. Wound Repair and Regeneration, 9(4), 305-313.
Vaisakh, M. N., & Pandey, A. (2012). The invasive weed with healing properties: A review on Chromolaena odorata.
International journal of pharmaceutical sciences and research,
3(1), 80.