Cam (Citrus sinensis L.) là một trong những cây ăn quả yêu cầu nhiều phân bón để duy trì năng suất cao. Trong kết quả khảo sát tại nông hộ năm 2017 của nhóm tác giả về lượng phân vô cơ bón cho 1ha cam trong thời kỳ kinh doanh (cam Sành 5-7 tuổi với mật độ trồng 400-500 cây/ha) trung bình lượng bón tại Hà Giang (335 kg N + 250 kg P2O5 + 450 kg K2O + 1.500 kg NPK - 5:10:3) và Hòa Bình (290 kg N + 230 kg P2O5 + 370 kg K2O + 1.200 kg NPK - 5:10:3).

Theo mức khuyến cáo chung, người trồng cam bón lượng phân vô cơ lớn, có ít hộ bón phân hữu cơ hay phân chuồng với lượng đủ lớn cho cam tại Hà Giang và Hòa Bình. Hiệu quả của phân bón hữu cơ đối với cây trồng đã được minh chứng rõ ràng qua các nghiên cứu khoa học. Cây cam khi đạt năng suất càng cao đã lấy đi lượng dinh dưỡng từ đất càng nhiều. Nếu chỉ bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt bằng nguồn phân bón vô cơ đa lượng, về lâu dài đất có thể dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng và thiếu hụt nguyên tố dinh dưỡng vi lượng.

Việc bón cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ là cần thiết nên trong đề tài “Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu hữu cơ, phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hiệu qủa của sản xuất một số loại rau, quả ở các tỉnh phía Bắc” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng phân bón hữu cơ thương mại đến sinh trưởng năng suất và chất lượng quả cam Sành tại huyện Bắc Quang – Hà Giang và cam CS1 tại huyện Cao Phong – Hòa Bình.


 Bố trí các thí nghiệm để xác định lượng phân hữu cơ thay thế thích hợp phân vô cơ

Trong 3 năm (2018 – 2020), qua các nghiên cứu cụ thể trên giống cam Sành 7-8 năm tuổi tại xã Vĩnh Hảo - Bắc Quang - Hà Giang và giống cam CS1 5-6 năm tuổi tại xã Thu Phong - Cao Phong – Hòa Bình. Nhóm tác giả đã xác định được năng suất thực thu khi bón thay thế 25% phân vô cơ bằng phân hữu cơ đạt 34,2 tấn/ha đối với cam Sành (tăng so với đối chứng 9,0 và 2,1 tấn/ha năm 2018 và 2019) tại Bắc Quang-Hà Giang (với mức bón 292,5kg N +262,5kg P2O5 +330,0kg K2O/ha +4,1 tấn/ha phân hữu cơ); đạt 15,8 tấn/ha đối với cam CS1 (tăng so với đối chứng 1,0 và 1,8 tấn/ha năm 2018 và 2019) tại Cao Phong-Hoà Bình (với mức bón 225,0kg N +225,0kg P2O5 +267,0kg K2O/ha +2,9 tấn/ha phân hữu cơ).


Kiểm tra và đánh giá mô hình của chủ nhiệm đề tài và chính quyền địa phương 

Sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ làm tăng hàm lượng caroteniod trong quả cam Sành 3,5-9,5 mg/100g và cam CS1 4,3-6,3 mg/100g; Hàm lượng đường tổng số trong cam Sành tăng 0,9-2,3 mg/100g và cam CS1 tăng 1,0-1,9 mg/100g; Hàm lượng vitamin C của cam Sành giảm 7,3-9,7 mg/100g và cam CS1 14,0-17,3 mg/100g.

Bón phân hữu cơ thay thế phân vô cơ giúp đất trồng cam Sành tại Bắc Quang-Hà Giang có pH tăng 0,2-0,3 và đất trồng cam CS1 tại Cao Phong-Hoà Bình có pH tăng 0,1-0,7 so với bón 100% phân vô cơ. Mức thay thế 75% phân vô cơ bằng phân hữu cơ có hàm lượng OM tăng 0,4-0,5% và N dễ tiêu tăng 3,7 mg/100g so với bón 100% phân vô cơ trên đất trồng cam Sành tại Bắc Quang-Hà Giang.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu mới nhóm tác giả đã tiến hành tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng cam tại địa phương qua mô hình trình diễn để áp dụng vào sản xuất.


Tập huấn về bón cân đối phân vô cơ và hữu cơ cho người trồng cam qua mô hình trình diễn tại Cao Phong – Hoà Bình và Bắc Quang – Hà Giang 

 

Người viết: Vũ Thanh Hải, Nhóm NCM Công nghệ canh tác rau hoa quả và cảnh quan