Cây hành ăn lá, hành củ (họ hành tỏi Liliaceae) là một trong những loại rau gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày, được trồng từ lâu đời ở Việt Nam. Vụ đông xuân 2021, Hải Dương đã mở rộng diện tích trồng cây vụ đông từ 10-20% so với vụ trước, ưu tiên phát triển cây chủ lực có giá trị kinh tế cao trong số đó có hành, tỏi với diện tích chiếm khá lớn trong cơ cấu cây trồng vụ đông ở Hải Dương với 4.500 ha. Trong đó, những cánh đồng hành ở huyện Kinh Môn chiếm 3.000 ha, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Khoảng 5 năm trở lại đây, hành được coi là cây mũi nhọn trong vụ đông của huyện Kinh Môn, luôn chiếm từ 75-80% diện tích cây vụ đông. Sản phẩm hành hoa Hải Dương là mặt hàng nguyên liệu gia vị chính cung cấp cho các nhà máy chế biến mỳ tôm và thực phẩm trong cả nước.

Bên cạnh đó còn thu hành hoa, tức là hành thu non, lấy cả lá và phần củ chưa già, phục vụ ăn tươi hàng ngày cho người dân ở các tỉnh lân cận, trong đó có Hà Nội. Nông dân ở đây trồng hành rất có kinh nghiệm và họ chọn những giống hành đẻ nhánh cực mạnh; hành cứ được tỉa dần cung cấp thường xuyên cho thị trường nội địa.

Cây hành bị nhiều loài sâu, bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Trong đó, sâu keo da láng Spodoptera exigua (Hübner) (Lep.: Noctuidae) được ghi nhận là một trong các loài gây hại chính ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, sâu keo da láng (ở phía Nam gọi là sâu xanh da láng) được ghi nhận là loài gây hại trên 25 loại cây trồng khác nhau, trong đó có 4 loài thuộc họ hành tỏi. Có tới 78% nông dân được hỏi cho rằng sâu keo da láng gây hại rất nặng trên các loại hành ở Tiền Giang.


Một số triệu chứng của sâu keo da láng S.exigua hại hành hoa 

Hiện nay, tại các vùng sản xuất hành trên cả nước, sâu keo da láng phát sinh và gây hại nặng. Sâu keo da láng xuất hiện quanh năm với mật độ từ cao đến rất cao, gây hại nặng cho cây hành hoa và có thể làm giảm trên 30% năng suất hành hoa tại vùng chuyên canh như ở Hải Dương, Hưng Yên. Người trồng hành hoa ở các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành (Hải Dương), huyện Khoái Châu (Hưng Yên) phải đối mặt với sâu keo da láng. Sâu phát sinh gây hại trên hành từ 20 ngày tuổi cho đến khi thu hoạch. Do tập tính sống trong ống hành, sâu gây hại mạnh vào ban đêm, ban ngày khi nắng nóng thường chui xuống đất. Sâu gây hại bằng cách ăn nhu mô lá từ bên trong, làm lá mất chất diệp lục, giảm khả năng quang hợp tạo chất dinh dưỡng làm bụi hành còi cọc, lá bị sâu ăn thủng lỗ chỗ, gãy gập, đứt ngọn. Sâu thải phân bên trong ống hành. Trường hợp mật độ cao sâu ăn trụi hết lá, không còn lá để bó khi thu hoạch, sâu còn gây hại cả củ làm mất giá trị thương phẩm. Sâu tuổi 5 đẫy sức chui xuống đất làm nhộng. Sâu keo da láng thường phát triển và gây hại nặng trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, gió lào vào tháng 6,7 hàng năm.

Việc phòng trừ sâu keo da láng cho đến nay chủ yếu vẫn là sử dụng thuốc hóa học. Việc sử dụng thuốc trừ sâu hoá học một cách tuỳ tiện của người nông dân đã làm cho sâu keo da láng rất nhanh chóng kháng thuốc nên việc phòng chống của nông dân kém hiệu quả, nông dân phun thuốc nhiều lần và tăng liều lượng tùy tiện dẫn đến sâu dễ bộc phát thành dịch gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Năng suất có thể giảm 500-800kg/công (25-50%), giá thấp do củ nhỏ, chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp, đặc biệt là sản phẩm không đảm bảo chất lượng và dư lượng thuốc trừ sâu cao trong các sản phẩm. Trên thế giới, hậu quả của việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hóa học đã dẫn tới việc hình thành tính kháng thuốc của quần thể sâu keo da láng với các nhóm carbamate, Lân hữu cơ và nhóm thuốc trừ sâu pyrethroid cũng như đã ghi nhận phát triển tính kháng thuốc nhóm chất ức chế sự tổng hợp chitin. Điển hình như Spinosad là loại thuốc trừ sâu được Tổ chức Bảo vệ môi trường Mỹ khuyến khích sử dụng rộng rãi trong chương trình IPM trên cây rau tại Mỹ, nhưng sau đó các nhà khoa học cũng đã ghi nhận sự kháng thuốc Spinosad của quần thể sâu keo da láng trên tất cả các vùng trồng rau tại Mỹ.

Sản xuất hành an toàn để đạt tiêu chuẩn VietGAP với mục tiêu tạo ra những sản phẩm có chất lượng, an toàn bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái sạch và bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Chính vì vậy, đầu năm 2017, chính phủ đã đưa ra chủ trương tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao (trong đó có nông nghiệp hữu cơ) một cách có hệ thống trên phạm vi cả nước.

Ứng dụng các chế phẩm sinh học là biện pháp cốt lõi trong trong quản lý tổng hợp sâu keo da láng hại hành đang được coi là hướng đi đúng đắn và bền vững. Nấm côn trùng Erynia sp., Nomurea rileyiMetarhizium sp., Beauveria bassiana và virus, côn trùng gây bệnh cho sâu keo da láng đã được nghiên cứu trong phòng trừ sâu keo da láng. Thuốc trừ sâu sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt) được sử dụng có hiệu quả trong phòng trừ sâu keo da láng tại Hawaii; nghiên cứu sự kết hợp giữa Nuclear polyhedrosis virus từ sâu keo da láng (SeNPV) và ong ký sinh M. pallidipes trong phòng chống sâu keo da láng có hiệu quả rõ rệt, số lượng sâu keo da láng giảm 82,3-89,7% khi bị ong
M. pallidipes
 mang chế phẩm SeNPV ký sinh.

Để xây dựng được vùng sản xuất hành an toàn, hiệu quả thì quản lý tổng hợp sâu keo da láng là việc làm mang tính cấp bách cần được nghiên cứu cụ thể đáp ứng nhu cầu trong sản xuất rau màu an toàn hiện nay sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm an toàn sinh học và môi trường rất phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện những quy trình chung về VietGAP đối với sản xuất rau, quả tươi an toàn nói chung và sản xuất hành nói riêng phục cho xuất khẩu. Bộ môn Côn trùng, Học viện Nông nghiệp Việt nam kết hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc và bà con nông dân trồng hành tại Hải Dương đã và đang hợp tác nghiên cứu và hướng tới xây dựng quy trình quản lý tổng hợp (IPM) loài sâu keo da láng S.exigue hại hành một cách hiệu quả.

PGS.TS. Lê Ngọc Anh

Nhóm Nghiên cứu mạnh Côn trùng

Học viện Nông nghiệp Việt Nam