Ở nước ta, việc đánh giá mức độ tăng trưởng về trữ lượng gỗ rừng nói chung và lượng Cabon tích lũy của cây rừng nói riêng, trong đó gồm cả cây Cao su đang là mục tiêu hàng đầu của các nhà quản lý lâm nghiệp. Tuy nhiên, công tác này hiện nay vẫn còn bỏ dở, phần lớn các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá khả năng hấp thụ Các bon rừng mà chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu cho bản đồ hoá hiện trạng Các bon để thuận tiện cho công tác quản lý, đánh giá mức độ biến động Các bon rừng và các thảm thực vật. Vì vậy, đề tài đặt ra là hết sức cần thiết, góp phần làm phong phú thêm những hiểu biết về khả năng tích luỹ Các bon của Cao su; xây dựng luận cứ cho việc xác định khả năng hấp thụ Các bon và lượng hóa những giá trị kinh tế - môi trường mà rừng đem lại; xa hơn nữa là xây dựng chính sách/cơ chế chi trả các dịch vụ môi trường cho các chủ rừng và các cộng đồng quản lý rừng ở nước ta.

Đề tài áp dụng các phương pháp nghiên cứu thực địa trên lâm phần Cao su tại địa điểm nghiên cứu và phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định lượng Các bon tích luỹ từ thảm thực vật và mẫu đất, đồng thời sử dụng phần mềm Mapinfo để dữ liệu hoá trên bản đồ nền tạo bản đồ lượng Các bon tích luỹ.


 

Bản đồ mô tả lượng Các bon tích luỹ từ thảm thực vật (gồm Cao su, thảm tươi và thảm mục) được biểu thị bằng màu tím. Màu tím càng đậm thì thể hiện lượng Các bon tích lũy càng cao và màu tím càng nhạt thì thể hiện lượng Các bon tích lũy thấp. Màu tím đậm thể hiện sự biến động lượng Các bon tích lũy trên 40 tấn/ha, màu tím có gạch trắng thể hiện sự biến động lượng Các bon tích lũy từ 20 tấn/ha đến 40 tấn/ha, màu tím nhạt thể hiện sự biến động lượng Các bon tích lũy dưới 20 tấn/ha. Từ bản đồ ta thấy, lượng Các bon của thảm thực vật phân bố không đồng đều. Thảm thực vật có Cao su trồng năm 2008, 2009 có lượng Các bon lớn hơn 40 tấn/ha nên được thể hiện trên bản đồ bằng màu tím đậm, chiếm tới 64 % tổng cơ cấu tích lũy Các bon, đạt tỷ lệ cao. Tiếp theo đó là thảm thực vật có Cao su trồng năm 2010 có lượng Các bon trong khoảng 20 - 40 tấn/ha nên được thể hiện trên bản đồ bằng màu tím gạch trắng, chiếm 22 % tổng cơ cấu tích lũy Các bon. Cuối cùng là thảm thực vật có Cao su trồng năm 2012, và trảng trống (năm 2013, 2015) có lượng Các bon dưới 20 tấn/ha nên được thể hiện bằng màu tím nhạt trên bản đồ, chiếm 14 % tổng cơ cấu tích lũy Các bon.

 

Trần Bình Đà - khoa Nông học