Tiếp theo các hoạt động điều tra, bình tuyển cây đầu dòng, sáng ngày 19/12/2024, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ chọn tạo và sản xuất cây trồng và các thành viên thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen mơ (Prunus sp.) Hương Tích gắn với du lịch sinh thái” đã phối hợp tổ chức hội thảo “Các biện pháp kỹ thuật canh tác cây ”.

            Mơ chùa Hương hay còn gọi là mơ Hương Tích đã gắn liền với truyền thống văn hóa lễ hội chùa Hương hàng trăm năm nay. Đây là giống mơ nổi tiếng thơm ngon bởi hạt nhỏ, cùi dày, vị chua nhẹ đặc biệt có mùi thơm dịu thoang thoảng. Tuy nhiên, trong sản xuất hiện nay, người dân chủ yếu áp dụng theo kinh nghiệm và canh tác quảng canh là chính, chưa chú trọng đến các biện pháp thâm canh hiện đại. Trong định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển du lịch của huyện, bên cạnh rau sắng, củ mài, câymơ cũng là một trong những sản phẩm định hướng đó. Việc mở rộng diện tích trồng cây mơ rất cần những giải pháp toàn diện như nhân giống (Phương pháp ghép; thời vụ ghép, tổ hợp gốc ghép…); biện pháp canh tác (phân bón, đốn tỉa, đặc biệt là nghiên cứu nâng cao khả năng ra hoa và đậu quả) …..

Để có cơ sở khoa học và thực tiễn, khuyến cáo quy trình canh tác hợp lý cây mơ Hương Tích, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen mơ (Prunus sp.) Hương Tích gắn với du lịch sinh thái” do TS. Phạm Thị Ngọc chủ nhiệm, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ chọn tạo và sản xuất cây trồng và các thành viên thực hiện đề tài đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Các biện pháp kỹ thuật canh tác cây mơ”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Đại diện UBND xã Hương Sơn, Ban quản lý Rừng phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội, Hội Nông dân xã Hương Sơn, đại diện các hộ trồng mơ Hương Tích, các chuyên gia và thành viên nhóm thực hiện đề tài.

Phát biểu khai mạc hội thảo TS. Hoàng Đăng Dũng, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề đã nêu rõ mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề cần thảo luận tại hội thảo để có cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện quy trình sản xuất cây mơ bền vững.

Mở đầu cho nội dung thảo luận, TS. Đoàn Thu Thuỷ- Trưởng nhóm NCM Công nghệ chọn tạo và sản xuất cây trồng, thư ký đề tài đã trình bày báo cáo về thách thức cho sản xuất mơ tại Việt Nam và những triển vọng sản xuất mơ trong và ngoài nước.

TS. Vũ Thanh Hải- Trưởng Bộ môn Rau hoa quả và cảnh quan- Khoa Nông học đã trình bày, phân tích nguyên nhân hiện tượng ra hoa cách năm trên cây mơ và đưa ra một số giải pháp khắc phục cho người trồng. Một trong những giải pháp chính theo TS. Vũ Thanh Hải là: Dùng hạt giữ ẩm tủ gốc vào các giai đoạn xuất hiện nụ- thu hoạch và giai đoạn ngủ nghỉ/rụng lá của cây; Áp dụng biện pháp kỹ thuật như tạo tán, tỉa cành, vít cành, trồng xen cây giao phấn khác giống, chặn rễ, khoanh cành cũng giúp khắc phục hiện tượng ra hoa cách năm. 

TS. Ngô Hồng Bình- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - Trình bày về hiện trạng sản xuất cây mơ ở một số tỉnh phía Bắc và biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất giống mơ vàng tại Bắc Kạn. Theo TS. Ngô Hồng Bình, những tác động mới như: Kỹ thuật đốn đau, cắt tỉa, và chăm sóc sau thu hoạch quyết định đến khả năng sinh trưởng, năng suất vượt trội của giống mơ vàng trồng tại Bắc Kạn. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đề tài trên cây mơ tại Bắc Kạn, năng suất thực thu mô hình đốn đau, cắt tỉa, chăm sóc sau thu hoạch đạt 67,8-74,3 kg/cây (13,6-15,8 tấn/ha), trong khi mô hình đối chứng chỉ đạt 26,3-28,9 kg/cây (5,8-6,5 tấn/ha). Năng suất của mô hình đốn đau, cắt tỉa, chăm sóc sau thu hoạch tăng 234,5-243,1% so với mô hình đối chứng; trong đó năng suất mô hình cây mơ vàng ở Đôn Phong đạt cao nhất (tăng 243,1% so với đối chứng).

PGS.TS. Hà Viết Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện cây trồng- Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày về một số sâu bệnh nguy hiểm trên cây mơ. Theo PGS.TS. Hà Viết Cường, trong quá trình trồng và chăm sóc cây mơ ngưởi sản xuất cần lưu ý đến một số bệnh như bệnh chảy gôm, bệnh thối nâu, ruồi đục quả….

PGS.TS. Trịnh Quang Pháp, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã báo cáo về kết quả khảo sát bệnh hại tuyến trùng trên cây mơ tại Hương Sơn, Mỹ Đức. PGS.TS. Trịnh Quảng Pháp chỉ ra một số triệu chứng, loài tuyến trùng gây hại trên cây mơ tại Mỹ Đức trên cơ sở kết quả điều tra, phân tích; và bước đầu đề xuất một số giải pháp tổng hợp để phòng ngừa và hạn chế sự gây hại của tuyến trùng đối với vườn mơ tại Mỹ Đức.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi nhằm làm rõ hơn một số vấn đề đang gặp phải trong quá trình sản xuất cây mơ Hương Tích cũng như chia sẻ các thông tin nhằm nâng cao kỹ thuật cho canh tác cây mơ. Các đại biểu đều mong muốn Học viện Nông nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành trong việc triển khai một số biện pháp kỹ thuật canh tác trên cây mơ Hương Tích nhằm đưa sản phẩm mơ Hương Tích lên tầm cao mới.

Trên cơ sở kết quả hội thảo và những kết quả đã nghiên cứu được, nhóm thực hiện đề tài sẽ tổng hợp và hoàn thiện bản hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mơ Hương Tích. Hy vọng đây sẽ là cẩm nang, cơ sở giúp địa phương phát triển bền vững cây mơ trong thời gian tới.

Một số hình ảnh trong buổi hội thảo Các biện pháp kỹ thuật canh tác cây mơ


Ban tổ chức và các đại biểu tham gia buổi Hội thảo 

TS. Vũ Thanh Hải trình bày về các biện pháp khắc phục trình trạng ra hoa cách năm trên cây mơ 

 TS. Ngô Hồng Bình chia sẻ về kinh nghiệm canh tác cây mơ trên Bắc Kan

 PGS.TS. Hà Viết Cường trình bày về một số sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây mơ
leftcenterrightdel
PGS.TS.Trịnh Quang Pháp trình bày về một số sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây mơ 

 Các đại biểu thảo luận sôi nổi về các biện pháp kỹ thuật canh tác mơ
leftcenterrightdel
 Ông Phạm Văn Mạnh- Phó bí thư thường trực xã Hương Sơn, Mỹ Đức mong muốn Học viện tiếp tục đồng hành phát triển cây mơ Hương Tích

 

Nhóm NCM Công nghệ chọn tạo và sản xuất giống cây trồng