Sản phẩm xuất khẩu chính trong ngành trồng trọt của Việt Nam là trái cây. Vì vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm sức lao động, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh các sản phẩm trái cây thì cần đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong các khâu của quá trình trồng trọt vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, và chưa được triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngày 23 tháng 9 năm 2023, tại phòng thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar chuyên gia với chủ đề “Cơ giới hóa nhằm phát triển sản xuất cây ăn quả ở vùng Lan Thương - Mê Kong” nhằm thảo luận các giải pháp cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Tham dự seminar có các chuyên gia đến từ Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Tứ Xuyên, Viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc do GS. Shuang Liu làm trưởng đoàn, PGS.TS. Phạm Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ong nhiệt đới, các thầy cô nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái và các em sinh viên quan tâm.


GS. Weima trình bày seminar Mô hình sản xuất cây ăn quả tại Lan Thương, Mê Kông 

Tại buổi seminar, GS. Shuang Liu (Phó tổng giám đốc) giới thiệu về tổng quan về Viện, những hướng nghiên cứu và thành tựu, và cơ hội hợp tác nghiên cứu với VNUA. GS. Weima đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Tứ Xuyên giới thiệu mô hình sản xuất cây ăn quả ở vùng Lan Thương, Mê Kông và các kết quả mà nhóm đạt được trong lĩnh vực phát triển Robot làm vườn thông minh. Nhóm nghiên cứu gồm có 11 thành viên chuyên ngành công nghệ thông tin và tự động hóa, trong đó có 1 giáo sư phụ trách khoa học, 2 phó giáo sư, 4 trợ lý nghiên cứu và 4 sinh viên. Trong thời gian 5 năm, nhóm đã triển khai hơn 10 dự án cấp quốc gia, xuất bản hơn 120 bài báo, 4 cuốn sách, 60 sáng chế được cấp chứng nhận và 15 phần mềm được cấp bản quyền. Nhóm đã chế tạo thành công robot thu hoạch rau, quả dạng hình cầu; robot cắt cỏ Orchard, robot vận chuyển Orchard, robot phân loại quả, robot thu hoạch hoạch chè đa năng và nhiều robot khác. Nhóm đã trình chiếu video về cơ giới hóa và tự động hóa trong thu hoạch cây ăn quả và chè. Hướng nghiên cứu của nhóm tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng liên minh khoa học và công nghệ để phát triển thiết bị nông nghiệp thông minh ở các quốc gia thuộc “một vành đai, một con đường", phối hợp nghiên cứu và ứng dụng máy móc nhỏ trong nông nghiệp, tiến hành đào tạo sinh viên quốc tế về phát triển nông nghiệp thông minh.


Các thành viên tham gia seminar 

            Đại diện nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái, TS. Thiều Thị Phong Thu đã giới thiệu thành viên của nhóm, các nghiên cứu mà nhóm đang tiến hành, các vấn đề nhóm quan tâm, đặc biệt là các khó khăn trong áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất trồng trọt ở Việt Nam nói chung và cây ăn quả nói riêng. Các thành viên tham dự seminar đã trao đổi rất sôi nổi, tích cực. Seminar đã mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Tứ Xuyên và nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái trong lĩnh vực cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất cây ăn quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế, hướng tới phát triển bền vững các vùng trồng cây ăn quả ở Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái