Ngày 26 tháng 12 năm 2022, tại phòng thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh sinh lý, sinh thái cây trồng đã tổ chức seminar khoa học với hai chủ đề:

Chủ đề 1: Tổng quan về chất lượng gạo, TS. Phan Thị Thủy trình bày

Chất lượng gạo là một đặc tính tổng hợp, được đánh giá bằng nhiều chỉ tiêu như chất lượng dinh dưỡng, cảm quan, xay xát, nấu nướng và ăn uống. Chất lượng gạo không chỉ được kiểm soát bởi kiểu gen mà còn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp canh tác và điều kiện môi trường. Nhiệt độ cao trong giai đoạn chín, độ ẩm hạt quá cao (> 16%) hay quá thấp (<12 %) đều làm giảm tỉ lệ gạo nguyên. Chất lượng cảm quan được đánh giá thông qua kích thước, hình dạng hạt và độ bạc bụng. Độ bạc bụng biến mất khi nấu nướng và không ảnh hưởng đến mùi vị gạo nấu nhưng lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng xay xát. Nhiệt độ trung bình trong 20 ngày sau khi trỗ vượt quá 26°C làm tăng sự xuất hiện của các hạt bạc bụng. Hàm lượng amylose có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cơm và được coi là yếu tố dự báo quan trọng nhất cho chất lượng nấu nướng và ăn uống. Gạo có hàm lượng amylose trung gian (20-25%) cho cơm mềm và ráo, được ưa chuộng ở hầu hết các khu vực sản xuất lúa gạo trên thế giới. Chất lượng dinh dưỡng chủ yếu đề cập đến hàm lượng protein, hàm lượng protein cao cải thiện độ cứng của hạt, giảm tỉ lệ hạt vỡ trong quá trình xay xát. Tuy nhiên, hàm lượng protein cao cao ảnh hưởng đến khả năng hút nước và ngăn cản quá trình ngậm nước của hạt gạo khiến cơm nấu không ngon. Hàm lượng protein cao bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phân bón, quản lý nước, điều kiện thời tiết và sâu bệnh hại. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của lượng đạm bón (0, 7, 8.5 và 10 gN/m2) đến chất lượng gạo của hai giống lúa Nhật Nipponbare và Koshihikari cho thấy lượng N bón không ảnh hưởng đến chất lượng xay xát và tỉ lệ hạt hoàn hảo. Tuy nhiên hai giống lúa có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng xay xát và kích thước hạt. Lượng N bón có tương quan thuận với hàm lượng protein của cả Nipponbare (r = 0.596 *) và Koshihikari (r = 0.78 **), trong khi đó lượng N bón chỉ có tương quan thuận với hàm lượng amylose của giống Koshihikari (r = 0.84 ***) và tỉ lệ nghịch với chất lượng tổng số của giống này (r = -0.83 ***).

Chủ đề 2:  Ảnh hưởng của thời gian ngập úng đến nảy mầm, sinh trưởng, sinh lý và năng suất cây đậu xanh ở giai đoạn cây con seminar do Ths. Vũ Tiến Bình trình bày

Biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ngập úng gây thiệt hại nghiêm trọng đến cây trồng, đặc cây trồng cạn ở giai đoạn nảy mầm và giai đoạn cây con. Kết quả nghiên cứu về thời gian xử lý ngập úng ở giai đoạn nảy mầm của hai giống đậu xanh ĐXVN5 và ĐX11 cho thấy: thời gian ngập úng đã ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm và giảm khối lượng mầm tươi so với công thức đối chứng (không gây ngập úng) (hình 1). Thời gian ngập úng càng lâu thì càng ức chế sự nảy mầm của hạt. Hạt đậu xanh bị ngập úng trong 48h và 72h dẫn đến tỷ lệ nảy mầm đạt dưới 10% đồng thời sự phát triển của rễ mầm là thấp nhất trên cả 2 giống. Xử lý thời gian ngập úng cho hai giống đậu xanh ở giai đoạn cây con cũng làm giảm chiều cao cây, khối lượng rễ khô, hàm lượng nước tương đối trong lá, khả năng quang hợp, khả năng tích lũy chất khô, cũng như các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất cá thể ở cả 2 giống đậu xanh so với công thức đối chứng (không gây gập úng) (Hình 2). Cây con bị ngập úng trong 6 ngày, đặc biệt là 9 ngày làm ảnh hưởng mạnh các chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lý và năng suất; đồng thời cho chỉ số chịu úng là thấp nhất, lần lượt là 0,6 (giống ĐX11) và 0,64 (giống ĐXVN5). Giống đậu xanh ĐXVN5 có khả năng chịu ngập úng tốt hơn giống ĐX11 ở giai đoạn cây con.

Một số hình ảnh tại buổi seminar