Ngày 29 tháng 9 năm 2023, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar với hai chủ đề:
Chủ đề 1: Giới thiệu về tình hình sản xuất cây ăn quả tại Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Loan trình bày
|
|
TS. Nguyễn Thị Loan trình bày seminar |
Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng cho sản xuất cây ăn quả do có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, khí hậu thuận lợi cho phát triển nhiều loại quả khác nhau. Để nâng cao giá trị kinh tế cho sản xuất cây ăn quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng phát triển sản xuất của 14 loại cây ăn quả chủ lực bao gồm: thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa (khóm), chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh dây, bơ và cây na – căn cứ theo đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2025 và 2023. Đồng thời Bộ cũng đã NN & PTNT đã chỉ đạo phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ cho các loại cây trồng chủ lực; tăng cường mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tổ chức kiểm định chất lượng nông sản; sử dụng các giống mới có năng suất và chất lượng cao, bình tuyển lại các giống địa phương có lợi thế đặc trưng, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong quá trình chăm sóc, thu hoạch để tạo các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, phù hợp với các tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước khác trên thế giới.
Chủ đề 2: Cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và chế biến cây ăn quả do TS. Thiều Thị Phong Thu trình bày
|
|
TS. Thiều Thị Phong Thu trình bày seminar |
Cơ giới hóa trong quá trình sản xuất là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng. Do đó, ngày 20 tháng 7 năm 2022, Thủ tướng chính phủ Việt Nam có quyết định số 858/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 bao gồm các mục tiêu cụ thể về cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất. Đối với trồng trọt, sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030. Tính đến tháng 8 năm 2022, theo ghi nhận của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 1,18 triệu ha vườn trồng cây ăn quả các loại với những trái cây chủ lực như xoài, thanh long, bưởi, vải, sầu riêng, chuối... Qua đánh giá, trong sản xuất trái cây, cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 90%, khâu chăm sóc đạt 70-80%, khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch chỉ khoảng 20%. Ở các mô hình sản xuất trái cây, khi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa thì chi phí đầu tư thấp, năng suất thu hoạch cao hơn 30% so với thu hoạch thủ công, chất lượng sản phẩm tốt, không nhiễm khuẩn, không bị dập, đạt yêu cầu xuất khẩu.
|
|
Các thành viên tham gia semiar |
Tại buổi seminar, các thành viên nhóm nghiên cứu mạnh đã thảo luận, trao đổi về thuận lợi, khó khăn trong phát triển cây ăn quả ở Việt Nam, những hạn chế trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây ăn quả trong bối cảnh của nước ta. Đồng thời đề xuất một số giải pháp phát triển cây ăn quả Việt Nam như: giải pháp về giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch và bảo quản, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và phát huy vai trò của HTX trong liên kết theo chuỗi, quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả đủ lớn để có thể áp dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ