Ngày 10 tháng 12 năm 2024, tại P308, bộ môn Canh tác học, khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar khoa học tháng 12 với ba nội dung:

Nội dung 1: Xác định mức độ thiếu hụt dinh dưỡng đối với cây cam Sành Hà Giang do TS. Đỗ Thị Hường trình bày.

            Cam sành là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Giang. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, tổng diện tích cam niên vụ 2023 - 2024 của tỉnh là 5.881ha, diện tích cho thu hoạch đạt khoảng 5.375 ha và sản lượng ước đạt 54.400 tấn, thu nhập bình quân đạt 20 - 25 triệu/ha. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tình hình suy thoái cam sành ngày càng phổ biến. Theo số liệu điều tra, từ năm 2021 đến nay tổng diện tích cam sành bị suy thoái khoảng 3.184 ha, chiếm 54,67%, trong đó diện tích suy thoái đến mức độ III là 1.074,8 ha, chiếm 33,76%. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp khắc phục hiện tượng suy thoái cây cam sành đang được các nhà khoa học quan tâm. Đối với giải pháp phân bón, xác định mức dinh dưỡng thiếu hụt để làm cơ sở xây dựng giải pháp bón phân có tính khả thi nhất hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ thiếu hụt dinh dưỡng của các yếu tố vi lượng và trung lượng nhiều hơn đa lượng; các yếu tố dinh dưỡng đa lượng tương quan nghịch với yếu tố dinh dưỡng trung lượng. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung các yếu tố dinh dưỡng vi lượng và trung lượng dưới dạng phân bón lá đối với cây càm sành Hà Giang.


TS. Đỗ Thị Hường trình bày seminar 

Nội dung 2: Nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng phân bón hữu cơ cho cà chua hữu cơ tại xã vùng cao Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình do TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh trình bày.

          Năm 2022, diện tích đất sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam mới chỉ đạt 619ha chiếm 0,1% tổng diện tích đất trồng rau của cả nước (FiBL và IFOAM, 2024), trong khi đó nhu cầu tiêu thụ rau hữu cơ ở Việt Nam ngày càng cao, đặc biệt là các loại rau hữu cơ trồng trái vụ. Trồng rau vụ đông trái vụ nghĩa là các loại rau vụ đông như cà chua, cải củ, cà rốt, cải bắp… được trồng trong các tháng mùa hè (Krishna & cs., 2024). Để tận dụng được lợi thế khí hậu vùng cao mát vào các tháng mùa hè, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình được lựa chọn để trồng rau trái vụ vì có nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa hè từ tháng 4 đến tháng 7 dao động từ 23,63oC đến 25,67 oC. Vì thế, để có thể canh tác được cà chua hữu cơ trái vụ tại xã Vân Sơn, cần lựa chọn được liều lượng phân bón hữu cơ phù hợp đối với sinh trưởng, phát triển của cà chua.


TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh trình bày seminar

Thí nghiệm một nhân tố đó là 05 mức phân hữu cơ bón (CT1: 15 tấn/ha; CT2: 20 tấn/ha; CT3: 25 tấn/ha; CT4: 30 tấn/ha; CT5: 35 tấn/ha) được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần nhắc lại tại khu sản xuất rau hữu cơ của tổ Hợp tác sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ xã Vân Sơn. Kết quả thí nghiệm chỉ ra, mức bón 35 tấn phân hữu cơ/ha là phù hợp nhất với sản xuất cà chua hữu cơ trái vụ tại xã Vân Sơn với năng suất đạt 28,88 tấn/ha và lợi nhuận đạt 699,2 triệu đồng/ha. Trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu trong các vụ tiếp theo và các liều lượng phân hữu cơ khác nhau để có các kết luận chính xác hơn.

Nội dung 3: Mức độ gây hại của tuyến trùng nốt sưng trên thực vật và các biện pháp phòng trừ do ThS. Nguyễn Thị Thanh Hồng trình bày.


ThS. Nguyễn Thị Thanh Hồng trình bày seminar 

Tuyến trùng nốt sưng (TTNS) (Meloidogyne spp.) được coi là một trong những loài gây hại quan trọng về mặt kinh tế, ảnh hưởng sự phát triển của cây trồng và làm giảm năng suất. Trên toàn thế giới, ước tính thiệt hại khoảng 100 tỷ đô la mỗi năm do Meloidogyne incognita gây ra. Việc phòng trừ bệnh TTNS rất khó khăn. Rất nhiều phương pháp quản lý bệnh như sử dụng giống kháng bệnh, biện pháp hóa học và sinh học đã được thử nghiệm trên toàn cầu. Biện pháp hóa học sử dụng Emamectin benzoate có hiệu quả trong việc kiểm soát quần thể TTNS và giảm chỉ số hình thành các nốt sưng. Chiết xuất nước cây xoan ta (Melia azedarach) giàu axit carboxylic, ancol và aldehyde cho thấy hoạt tính tiêu diệt tuyến trùng đối với M. incognita. Vi khuẩn và nấm đối kháng tuyến trùng cũng được quan tâm nghiên cứu và cho nhiều kết quả khả quan. Biện pháp sử dụng giống kháng bệnh được coi như là một biện pháp quan trong do dễ sử dụng và thân thiện với môi trường. Hiện nay, biện pháp hóa học phòng trừ bệnh TTNS tuy hiệu quả nhưng độc hại và gây hậu quả nghiêm trọng cho thiên nhiên. Xu hướng hiện tại là sử dụng biện pháp quản lý tuyến trùng tổng hợp bằng cách sử dụng giống kháng kết hợp với biện pháp canh tác và sinh học để phòng trừ bệnh.

Các thành viên tham dự đã thảo luận, trao đổi rất tích cực về kết quả nghiên cứu của các nhóm tác giả. Để hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững, bên cạnh dinh dưỡng thì phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng bằng các biện pháp thân thiện với môi trường cũng là vấn đề cần quan tâm trong bối ảnh hiện nay.

 

Phan Thị Thủy – Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái