Tại phòng 312, nhà A khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác rau hoa quả và Cảnh quan đã tổ chức seminar một số kết quả nghiên cứu về “Ứng dụng kết quả mới trong cải tạo cát san hô và nhân giống cây cảnh lá” Bài học từ sản xuất bí đỏ tại phía Bắc Việt Nam và thách thức của sản xuất rau canh tác hữu cơ PGS”.

Mở đầu buổi seminar, PGS. TS. Vũ Thị Thu Hiền trình bày nội dung “Quy trình sản xuất lưu huỳnh dạng lỏng sử dụng phòng trừ bệnh trong canh tác hữu cơ”. Lưu huỳnh được khai thác từ các quặng tự nhiên có thể sử dụng trong sản xuất pin, ắc quy, sơn, chất tấy rửa, phân bón và thuốc trừ sâu bệnh. Trước đây, lưu huỳnh được sử dụng dưới dạng rắn và hiện nay, lưu huỳnh có thể được sử dụng dưới dạng lỏng với hai dạng alpha và beta. Từ việc tham khảo quy trình về sản xuất hữu cơ Jadam có sử dụng lưu huỳnh dạng lỏng trong phòng trừ sâu bệnh đã được sự cho phép của Mĩ, Hàn Quốc, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu pha chế dung dịch phòng trừ sâu bệnh ứng dụng trong canh tác hữu cơ. Lưu huỳnh dạng lỏng được pha loãng và xử lý các loại bệnh như phấn trắng, thán thư trên cà chua, dưa chuột và một số cây rau màu khác. Quy trình sản xuất gồm 7 bước. Kết quả đã sản xuất được 100 lít chế phẩm lưu huỳnh và thử nghiệm phòng trừ sâu bệnh trong phòng thí nghiệm cũng như áp dụng trên đồng ruộng cho cây rau canh tác hữu cơ tại Hà Nam. Bước đầu cho kết quả khống chế sâu bệnh tương đối khả quan và khuyến cáo nên sử dụng sớm ở giai đoạn cây con để đạt hiệu quả cao nhất.


Ảnh 1: PGS. TS. Vũ Thị Thu Hiền đang trình bày báo cáo về “Quy trình sản xuất lưu huỳnh dạng lỏng sử dụng phòng trừ bệnh trong canh tác hữu cơ” 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Anh Đức trình bày về: Định hướng nghiên cứu ứng dụng nhân giống cây cảnh lá trong cảnh quan”. Những cây cảnh lá hiện nay được quan tâm nhiều, nhưng tại Hưng Yên chưa chủ động được công tác nhân giống mà chủ yếu nhập giống. Nhóm nghiên cứu có định hướng nghiên cứu nhân giống cây cảnh lá tại Hưng Yên bằng phương pháp nuôi cấy mô in vitro. Ba loại cây cảnh lá được lựa chọn nhằm nhân giống nuôi cấy mô. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc, tổ chức hội thảo, tập huấn kĩ thuật về nhân giống và trồng cây cảnh lá.

TS. Vũ Thanh Hải trình bày về Kết quả xây dựng mô hình kiểm soát lộc đông cây vải để ra hoa ổn định và thúc đẩy quả chín sớm tại Phương Nam - Uông Bí - Quảng Ninh”. Việc kiểm soát lộc là rất quan trọng trong việc điều khiển thời gian ra hoa, đậu quả vải. Kiểm soát lộc để ra hoa và đậu quả thông qua 3 đợt lộc. Nếu chỉ tập trung điều khiển đợt 3 thành thục trước tháng 11 là khó đối với nhiều người dân. Do đó nhóm nghiên cứu tập trung vào điều khiển ngay từ đợt lộc 1, 2 để có đợt lộc 3 trưởng thành khi mùa đông đến. Việc điều khiển được thực hiện bằng các biện pháp cắt tỉa cành sau khi thu hoạch, bón phân, sử dụng phân bón giàu lân (MKP), sử dụng chế phẩm ethrel, khoanh vỏ nhằm thúc đẩy sự thành thục lộc nhanh hơn hoặc hạn chế sự xuất hiện lộc mới. Trên cơ sở các nghiên cứu cụ thể, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được quy trình nhằm kiểm soát lộc để cây ra hoa và tạo quả vải chín sớm tại Quảng Ninh.

Tiếp nối seminar, ThS. Bùi Ngọc Tấn trình bày vềMột số kết quả bước đầu trong cải tạo cát san hô cho sản xuất nông nghiệp”. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là cải tạo đất san hô nghèo dinh dưỡng nhằm trồng trọt được. Các công nghệ cải tạo đất bao gồm: hạt set, phân vi lượng, NPK, giá thể, chế phẩm vi sinh vật. Thí nghiệm được thực hiện trên 9 công thức, được tiến hành trong bầu giá thể trong nhà lưới. Công thức trộn đất phù sa cây lên tốt nhất, các công thức trộn giá thể vi sinh khác tốt hơn công thức đối chứng. Việc cải tạo đất san hô là thực hiện được với tỷ lệ phối trộn trong khoảng 5-10%.

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Phượng trình bày về Bài học từ sản xuất bí đỏ tại phía Bắc Việt Nam” Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và sản xuất nông nghiệp là nguồn sinh kế chính. Rau là nguồn thực phẩm và thu nhập quan trọng cho hộ gia đình. Ở đây, rau vừa đa dạng về loài và giống. Tuy nhiên, thực trạng dinh dưỡng cũng như thu nhập của người dân bản địa còn thấp và đang được quan tâm cải thiện. Nghiên cứu khảo sát ban đầu ghi nhận 107 loại rau khác nhau ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Nghiên cứu cũng chỉ ra có khoảng 70% nông hộ hiện trồng nhiều giống bí đỏ địa phương và giống lai. Bí đỏ là cây rau có nhiều giá trị sử dụng và dinh dưỡng. Quả bí đỏ có thể thu từ non tới già. Lá và hoa bí làm rau ăn hàng ngày. Hạt bí ngoài làm giống có thể bán tăng thu nhập. Tuy nhiên, qua quá trình canh tác tự nhiên và việc du nhập nhiều giống bí lai mới, nhiều giống bí đỏ địa phương đã mai một và có nguy cơ mất giống hoàn toàn. Vì vậy, nghiên cứ này tập trung trả lời hai câu hỏi: 1) Lý do vì sao người dân lựa chọn trồng một hay nhiều giống bí khác nhau? và 2) Với cây bí đỏ, người dân quan tâm tới đặc tính nào của giống? Kết quả cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, nông dân người Thái và Mông ở Mai Sơn đã chuyển khá nhanh từ trồng bí đỏ địa phương sang bí đỏ lai để phục vụ thị trường, chủ yếu là thị trường lớn ở các thành phố, đô thị ở khu vực đồng bằng. Việc thu mua bí đỏ phần lớn qua thương lái. Tuy nhiên, nông dân người Mông vẫn duy trì cả bí đỏ địa phương và bí đỏ lai để vừa phục vụ nhu cầu gia đình (bí địa phương) và bán quả (bí đỏ lai). Với họ, bí đỏ địa phương là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình vốn đã có và duy trì hàng trăm năm qua nhiều thế hệ. Tại Sa Pa, giống bí đỏ địa phương vẫn được duy trì nhưng diện tích trồng có xu hướng giảm, đặc biệt là trong năm năm trở lại đây do nhu cầu bí làm thực phẩm gia đình và chăn nuôi giảm (do ảnh hưởng của dịch bệnh trên lợn từ năm 2019). Đặc biệt, nông dân người Mông và người Dao ở đây luôn mong muốn duy trì các giống địa phương bằng cách tự để giống hạt tại nông hộ. Cây bí đỏ rất phù hợp với hệ thống sản xuất cây trồng truyền thống. Ở Sa Pa bí đỏ chủ yếu trồng xen với ngô và trong vườn nhà. Ở Mai Sơn bí đỏ được trồng xen với cây ăn quả thời kỳ chưa khép tán và duy trì một vài gốc bí tại vườn nhà làm rau ăn. Năm 2024, nhóm tác giả triển khai đánh giá nhiều giống bí trên đồng ruộng với người dân, trong đó các giống bí địa phương được cung cấp bởi Trung tâm Tài nguyên thực vật và 1 – 2 giống bí lai ưu việt trên thị trường được cung cấp bởi Công ty TNHH Giống Tân Lộc Phát. Với giống địa phương thử nghiệm, người dân ghi nhận trước kia trồng nhiều tại địa phương nhưng hiện tại còn rất ít hộ có giống và mong muốn phục hồi lại do giống có nhiều đặc điểm quý như quả đẹp, ăn ngon và dễ trồng. Nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi thứ hai cũng như củng cố đa dạng giống bí đỏ của địa phương, giúp người dân có thêm giống bí để lựa chọn phù hợp với nhu cầu của hộ. Kết quả cho thấy với giống bí địa phương, các hộ quan tâm nhiều tới khả năng sinh trưởng, kháng bệnh, cho nhiều quả, khối lượng quả vừa phải và thời gian bảo quản quả lâu. Giống bí lai được ưa chuộng vì có năng suất cao, nhiều quả, dễ bán nhưng khả năng kháng bệnh còn hạn chế và cần đầu tư nhiều công, phân bón. Các hộ mong muốn bí đại phương có thể thương mại như bí lai mang lại nguồn thu nhập cho hộ vì ưu điểm của bí đỏ đại phương là đầu tư ít, dễ trồng và có thể tự để được giống.

left
Ảnh 2: TS. Vũ Quỳnh Hoa đang trình bày báo cáo về “Thách thức và cơ hội trong sản xuất rau hữu cơ PGS” 

Kết thúc hội thảo, TS. Vũ Quỳnh Hoa trình bày về Thách thức và cơ hội trong sản xuất rau hữu cơ PGS”. Chứng nhận PGS (Participatory Guarantee System) là hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng tại địa phương, chứng nhận cho các nhà sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan và được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng, mạng lưới xã hội và trao đổi kiến thức. Hệ thống cùng tham gia PGS Việt Nam đảm bảo chất lượng thành lập từ năm 2008 trong dự án “Phát triển Khung sản xuất và Thị trường nông nghiệp hữu cơ tại miền Bắc Việt Nam 2005-2012” được thực hiện bởi ADDA và Hội Nông dân Việt Nam (VNFU). Rau hữu cơ chứng nhận PGS mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế và môi trường. Tuy nhiên những hạn chế của sản xuất hữu cơ gồm: năng suất thấp hơn: thấp hơn khoảng 30 – 40% và tốn nhiều công lao động gấp khoảng 2,5 lần. Thách thức hiện nay là số lượng nông dân trồng rau PGS đang giảm. Sản xuất rau hữu cơ PGS mang lại thu nhập tốt hơn và có lợi hơn cho môi trường, nhưng việc đòi hỏi tốn nhiều công lao động cho kiểm soát cỏ dại và làm đất đang là một trong các thách thức lớn. Việc nhận thức về lợi ích cho sức khỏe của bản thân, gia đình và người tiêu dùng trong sản xuất hữu cơ là một động lực quan trọng nhằm duy trì canh tác hữu cơ.

Nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ Canh tác Rau Hoa Quả và Cảnh quan