Để đánh giá xác thực hơn về thực trạng và những vấn đề tồn tại trong bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen cây mít theo chuỗi giá trị tại Việt Nam, ngày 30/10/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển cây mít theo chuỗi giá trị ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có trên 50 khách mời, 13 diễn giả đến từ 3 trường đại học, 4 viện, trung tâm nghiên cứu, 4 tổ chức quản lý công và 1 doanh nghiệp được kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom.


 Toàn cảnh Hội thảo tại Phòng họp 1, Nhà Hành chính

Các đại biểu tham dự Hội thảo được kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom 

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, mít là loại cây ăn quả được biết đến hàng nghìn năm nay, là cây đa mục đích, nhiều lợi ích đối với sức khỏe, là món ăn rất được ưa chuộng. Để đánh giá đúng thực trạng về tình hình nghiên cứu, sản xuất, chế biến thị trường tiêu thụ mít làm cơ sở định hướng nghiên cứu phát triển cây mít bền vững theo chuỗi giá trị tại Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển cây mít theo chuỗi giá trị ở Việt Nam”.

PGS.TS. Phạm Bảo Dương mong muốn, Hội thảo sẽ là dịp để chia sẻ những thông tin khoa học bổ ích về cây mít dưới mọi góc nhìn của các nhà khoa học sẽ đóng góp không nhỏ trong định hướng chiến lược, quy hoạch, sản xuất và kinh doanh cây mít theo chuỗi giá trị có hiệu quả ở Việt Nam.


PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo 

Hội thảo “Phát triển cây mít theo chuỗi giá trị ở Việt Nam” gồm 10 bài tham luận đến từ Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ; Hội Giống Cây trồng Việt Nam; Trường Đại học Tây Nguyên; Trung tâm Tài nguyên thực vật; Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.


 

Hội thảo được chia thành 2 phiên chuyên đề do PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện và PGS.TS. Trần Văn Quang - Trưởng Khoa Nông học chủ trì. Phiên chuyên đề buổi sáng đã giúp đưa ra góc nhìn toàn cảnh về thực trạng phát triển cây mít tại các vùng sinh thái của Việt Nam và một số tỉnh Tây Nguyên để thấy được những thách thức và giải pháp phát triển bền vững loài cây này tại Việt Nam, nghiên cứu công tác tuyển chọn giống và các kỹ thuật nhân giống mít hiện nay cũng như tìm hiểu các thành phần dinh dưỡng quan trọng có trong quả mít.

Tại phiên chuyên đề buổi chiều, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ trái mít trên thế giới và ở Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu còn tiến hành thảo luận về hiện trạng sản xuất mít tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, tìm hiểu về cách khai thác sáng chế trong thu hái, bảo quản và chế biến mít tại Việt Nam, quy trình chế biến các sản phẩm từ mít và nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật ghép nhân giống mít đặc sản địa phương.

Thông tin chi tiết về Hội thảo và các báo cáo mời quý vị tìm hiểu ở link sau: http://hoithaomit.vnua.edu.vn/

 

Lan Hương - TT QHCC&HTSV

Ảnh: Trung Đức - TT QHCC&HTSV