Trà hoa vàng Tam Đảo là loài đặc hữu của vườn Quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc được phát hiện và công bố năm 2010 bởi Trần Ninh và Hakoda Naotoshi (Hà Văn Huân & Nguyễn Văn Phong, 2015). Trà hoa vàng Tam Đảo là cây dược liệu quý hiếm được mệnh danh là “vàng xanh” của vùng đất Tam Đảo. Vì vậy loài cây trồng này đang bị săn lùng và khai thác quá mức dẫn đến những nguy cơ dần biến mất trong tự nhiên. Hơn nữa Cây trà hoa vàng Tam Đảo là cây khó tái sinh trong tự nhiên. Vấn đề cần đặt ra phải có biện pháp duy trì, nhân giống và bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm này.


Hình 1: Cây trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia tamdaoensis Ninh et Hakoda) 

Tuy nhiên, cho tới nay những nghiên cứu về các loài trà hoa vàng nói chung và trà hoa vàng Tam Đảo nói riêng còn rất hạn chế. Một số công trình công bố các nghiên cứu về trà hoa vàng tại Việt Nam chủ yếu là các nghiên cứu bảo tồn và nhân giống bằng phương pháp giâm hom truyền thống. Các công bố này nhìn chung cho thấy hiệu quả giâm hom cây trà hoa vàng còn bộc lộ nhiều hạn chế và phụ thuộc vào các yếu tố như dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm. Chính vì vậy, các nhà khoa học của Viện Sinh học nông nghiệp và Khoa Công nghệ sinh học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học và Công nghệ thuộc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đã ứng dụng những lợi thế của công nghệ khí canh để nâng cao hiệu quả nhân nhanh loại cây dược liệu quý này. Công nghệ khí canh giúp tối ưu hóa các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giâm cành, khắc phục được những nhược điểm của phương pháp nhân giống truyền thống. Đồng thời, biện pháp này cũng mở ra hướng nhân giống cây dược liệu quý hiếm này ở quy mô công nghiệp.

Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của một số yếu tố đến khả năng nhân giống của cây trà hoa vàng trên hệ thống khí canh. Các yếu tố thí nghiệm bao gồm nồng độ chất kích thích ra rễ α-NAA (1000 ppm; 2000 ppm và 3000 ppm); số đốt của cành giâm (1 đốt; 2 đốt; 3 đốt); loại dung dịch dinh dưỡng (Imai, Hoagland và Anthura); chu kỳ phun (phun/nghỉ) (10 giây/10 phút; 10 giây/20 phút và 10 giây/30 phút); nhiệt độ dung dịch (nhiệt độ môi trường; 15oC, 20oC và 25oC), độ dẫn điện của dung dịch dinh dưỡng (EC: 800 µS/cm, 1000 µS/cm và 1200 µS/cm).


Hình 2: Trà hoa vàng giâm cành trên hệ thống khí canh

A: cây mẹ; B: cành giâm; C: cành giâm ra rễ sau 45 ngày; D: cành giâm ra rễ 90 ngày 

Kết quả nghiên cứu cho thấy: sử dụng αNAA (α-naphthaleneacetic acid) ở nồng độ 3.000 ppm, cành giâm có tỷ lệ ra rễ đạt 100% sau 45 ngày. Dinh dưỡng Hoagland, chu kỳ phun 10 giây/10 phút nghỉ, độ dẫn điện 1200 µs/cm, nhiệt độ dung dịch ở ngưỡng 25oC và 2 đốt/cành giâm là tối ưu nhất cho cành giâm phát triển số rễ đạt 34,4 rễ/cành và chiều dài rễ đạt 6,25 cm. Từ kết quả này cho thấy có thể sử dụng hệ thống khí canh để nhân giống vô tính cây trà hoa vàng ở quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu về cây giống trong thời gian ngắn.

 

Nhóm nghiên cứu mạnh: Nhóm cây Màu