Ngày 27/10/2022 nhóm nghiên cứu mạnh sinh lý, sinh thái cây trồng khoa Nông học đã tổ chức seminar với hai chủ đề:

Chủ đề 1: Mối liên quan giữa một số đặc điểm quang hợp và giải phẫu của thực vật với cường độ ánh sáng ở thực vật do TS. Nguyễn Thị Phương Dung trình bày.

Trong bài trình bày, TS. Nguyễn Thị Phương Dung đã chia sẻ những thông tin rất hữu ích về số thông số ánh sáng như điểm bù, điểm bão hòa ánh sáng đối với các loại cây trồng khác nhau trong nông nghiệp, cơ chế điều chỉnh sự dư thừa ánh sáng ở thực vật dựa trên chu trình xanthophyll. Từ đó, chỉ ra mối liên kết giữa cường độ ánh sáng, hiệu ứng “sàng” (sieve effect), sự phân luồng ánh sáng (light channeling), hiện tượng tán xạ ánh sáng (light scattering) với các thông số giải phẫu ở lá thực vật như cấu trúc biểu bì, cấu trúc lớp tế bào mô giậu, mô xốp và độ dày lá. Bên cạnh đó, cấu trúc bộ máy quang hợp như sự thay đổi, chuyển động của lục lạp, tổng lượng hàm lượng diệp lục ở mỗi trung tâm phản ứng quang hợp, tỉ lệ giữa hàm lượng diệp lục a/b, sự thay đổi tỉ lệ (3:1 hay 2:1) giữa hai hệ thống quang hợp PSII và PSI cũng đã được làm rõ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cường độ ánh sáng có ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố liên quan đến quang hợp, giải phẫu trong đó có sự phát triển của lá, đây chính là cơ sở để tăng cường sự đồng hóa, tích lũy các sản phẩm đồng hóa ở thực vật, từ đó có thể nghiên cứu sự thay đổi cường độ ánh sáng để làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng.

Chủ đề 2: Sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón hữu cơ trong sản xuất rau hữu cơ do TS. Vũ Duy Hoàng trình bày

Cây bèo hoa dâu (Azolla) từ lâu đã được biết đến là loài cây giàu đạm, hàm lượng chất hữu cơ cao nhờ khả năng sinh trưởng sinh khối nhanh và cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm Anabeana-Azollae. Ở Việt Nam, trước khi phân đạm hóa học được sử dụng phổ biến, bèo hoa dâu được trồng nhiều trên ruộng lúa làm phân bón. Phát triển nông  nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu nên đòi hỏi phải có đủ nguồn phân bón hữu cơ đa dạng, giàu dinh dưỡng cung cấp cho cấp cho cây trồng. Nghiên cứu của TS. Vũ Duy Hoàng về sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón hữu cơ được thực hiện trên đối tượng cây rau mồng tơi. Kết quả cho thấy, các công thức bón phân bèo hoa dâu làm tăng rõ rệt sinh trưởng chiều dài thân, số lá, kích thước lá, chỉ số SPAD, chỉ số diện tích lá (LAI), kích thước ngọn rau, chất khô tích lũy của cây mồng tơi so với công thức đối chứng (không bón phân) và công thức bón phân chuồng. Năng suất và chất lượng đạt được cao nhất đạt được ở mức bón 16 và 20 tấn/ha phân bèo hoa dâu. Kết quả nghiên cứu này khẳng định: hoàn toàn có thể sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón giàu dinh dưỡng thay thế cho các nguồn phân bón khác trong sản xuất rau hữu cơ.

Một số hình ảnh tại buổi seminar


 

Hình 3: Hình chụp từ kính hiển vi điện tử quét giải phẫu lá cây họ đậu (Thermopsis montana) trồng trong các điều kiện ánh sáng khác nhau 


Hình 4. Ảnh hưởng của cường độ ánh sáng khác nhau đến cấu trúc giải phẫu lá của Spinacia oleracea L. (A-D: Lát cắt ngang lá Spinacia oleracea L.ở cường độ A: 90 µmol/m2/s, B: 140 µmol/m2/s, C: 190 µmol/m2/s, D: 240 µmol/m2/s. Thước đo: 50 µm. 

Hình 5. Phân bèo hoa dâu 

Hình 6. Cây rau mồng tơi bón phân bèo hoa dâu 

 

Đỗ Thị Hường – Nhóm NCM Sinh lý, sinh thái cây trồng