Ngày 19/9/2022, nhóm nghiên cứu mạnh Sinh lý sinh thái cây trồng, Khoa Nông học đã tổ chức seminar về Giải pháp cho nền nông nghiệp tái sinh. Đây là chủ đề nóng hiện nay nhằm hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, vì khí hậu và sức khỏe. Nhóm nghiên cứu mạnh phối hợp với tổ chức Keep Hanoi Clean mời chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về giải pháp tái sinh cho hệ sinh học đất trong sản xuất nông nghiệp. Thành phần tham dự seminar bao gồm: Ông Douglas Lee Snyder (Tổng giám đốc tổ chức Keep Hanoi Clean), Bà Leslie Honicker (Chuyên gia Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), PGS.TS Nguyễn Đức Tùng (Phó trưởng Khoa Nông học), TS. Nguyễn Thị Ái Nghĩa (Chuyên gia nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác rau hoa quả và cảnh quan), TS. Phạm Tuấn Anh (Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Sinh lý sinh thái cây trồng), thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Sinh lý sinh thái cây trồng và các giảng viên, nhà nghiên cứu quan tâm đến dự.

Tại buổi seminar, Bà Leslie Honicker đã chia sẻ về Nông nghiệp khí hậu thông minh (Climate Smart Agriculture) bao gồm các nội dung: Ảnh hưởng của nông nghiệp đến khí hậu; Sinh học đất kéo theo sự biến đổi khí hậu; Quản lý sinh học đất và các nguyên lý về sức khỏe của đất; Các vấn đề đất ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe đất có lợi cho Việt Nam như thế nào; Những chia sẻ về Canh tác tái sinh vì khí hậu và sức khỏe thuộc dự án Nông nghiệp tái sinh của tổ chức Keep Vietnam Clean.  Trong đó, bài chia sẻ nhấn mạnh vào việc bảo vệ sức khỏe sinh học đất và các nguyên lý quản lý sức khỏe sinh học đất. Sức khỏe đất là khả năng hoạt động liên tục của đất như một hệ sinh thái sống để duy trì thực vật, động vật và con người. Các nguyên tắc bảo vệ sinh học đất bao gồm: tối đa hóa hệ thống rễ sống trong đất, tối đa hóa đa dạng sinh học đất, tối đa hóa việc che phủ đất và hạn chế sự tác động vào đất.

TS. Nguyễn Thị Ái Nghĩa, chuyên gia nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác rau hoa quả và cảnh quan cũng có bài trình bày về Nghiên cứu điều tra kỹ thuật canh tác rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS (Participatoiry Guarantee System – Hệ thống chứng nhận cùng tham gia). Nghiên cứu thực tiện trên 4 xã sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình năm 2019, với tổng số 78 phiếu điều tra. Số liệu điều tra cho thấy diện tích và sản lượng rau hữu cơ tại huyện tăng khoảng 15 lần trong vòng 10 năm từ 2009-2019. Tuy nhiên, năng suất rau không tăng. Điều này cho thấy để mở rộng diện tích rau và nâng cao thu nhập cho người dân cần phải có nghiên cứu để tìm ra yếu tố hạn chế năng suất. Kết quả điều tra cho thấy dinh dưỡng và sâu bệnh là những yếu tố ảnh hưởng chính đến năng suất rau của vùng. Nghiên cứu đề xuất cần mở rộng quy định về phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học sử dụng trong canh tác rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS. Nông dân PGS nên tăng sự đa dạng sinh học trong hệ thống cây trồng và luân canh với cây họ đậu, kết hợp chăn nuôi trong hệ thống. Nông dân PGS nên tăng cường phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp kỹ thuật canh tác và biện pháp sinh học như: làm đất hợp lý, dùng giống phù hợp, tăng cường thiên địch và nơi trú ngụ cho chúng. Việc ứng dụng khoa học và tiến bộ kỹ thuật cũng như hỗ trợ hệ thống phân phối sản phẩm hữu cơ là cần thiết để thúc đẩy mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ PGS tại khu vực này.

Chia sẻ của chuyên gia đã giúp định hình rõ hướng nghiên cứu tìm giải pháp cho nền nông nghiệp tái sinh. Các giải pháp liên quan đến các biện pháp canh tác làm tăng sức khỏe sinh học đất, tăng sự chuyển đổi Cacbon và hạn chế CO2 thải ra môi trường. Buổi seminar đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thầy cô trong khoa và mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu lâu dài.


PGS. TS. Nguyễn Đức Tùng phát biểu chào mừng và giới thiệu về khoa 

Mr. Douglas Lee Snyder - Tổng giám đốc tổ chức Keep Hanoi Clean phát biểu chia sẻ về dự án và cảm ơn 

Ms. Leslie Honicker – Chuyên gia Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ 

S. Nguyễn Thị Ái Nghĩa – chuyên gia nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác rau hoa quả và cảnh quan, Khoa Nông học 

Nhóm nghiên cứu mạnh Sinh lý sinh thái cây trồng, tổ chức Keep Hanoi Clean và khách mời chụp ảnh kỷ niệm 

 

TS. Thiều Thị Phong Thu – Nhóm NCM Sinh lý sinh thái cây trồng