Ngày 28 tháng 11 năm 2024, tại P308, bộ môn Canh tác học, khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar khoa học tháng 11 với hai nội dung:
Nội dung 1: Nghiên cứu ảnh hưởng của màng vòm thấp và lượng phân trùn quế đến sinh trưởng và năng suất cây rau cải thìa do TS. Nguyễn Thị Loan trình bày.
Nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, đặc biệt là sản phẩm được sản xuất hữu cơ đang ngày càng tăng. Trong nông nghiệp hữu cơ, người sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng giúp đảm bảo năng suất cây trồng, tạo các sản phẩm chất lượng cao đồng thời cải thiện độ phì đất. Bên cạnh đó, sản xuất hữu cơ phải đối mặt với thách thức là không được sử dụng hóa chất tổng hợp cho bảo vệ thực vật. Vì vậy, người sản xuất bị hạn chế trong lựa chọn các giải pháp thay thế. Sử dụng vòm che thấp phủ nilon trong suốt là một biện pháp hiệu quả giúp kiểm soát sâu bệnh hại, bảo vệ cây trồng khỏi sương giá. Bên cạnh đó, vòm che thấp tạo ra hiệu ứng nhà kính, thay đổi tiểu khí hậu quanh cây trồng, kích thích sinh trưởng và tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
|
|
TS. Nguyễn Thị Loan trình bày seminar |
Nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng vòm che thấp kết hợp các lượng bón phân trùn quế khác nhau đến cây rau cải thìa ở thời điểm cuối đông và đầu xuân. Kết quả cho thấy sử dụng vòm che thấp làm tăng nhiệt độ và độ ẩm của không khí quanh cây trồng, giúp cây cải thìa sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp. Kết hợp vòm che thấp và tăng lượng bón phân trùn quế kích thích sinh trưởng, tăng tích lũy chất khô, do đó làm tăng năng suất cây rau cải thìa. Nghiên cứu khuyến cáo sử dụng vòm che thấp và bón 9 tấn/ha phân trùn quế cho cây rau cải thìa sinh trưởng và cho năng suất tốt nhất.
Nội dung 2: Lựa chọn chế phẩm vi sinh phù hợp để ủ phân trứng và ứng dụng trong trồng rau muống do TS. Phan Thị Thủy trình bày
Hàng năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra một lượng lớn chất thải hữu cơ, bao gồm cả trứng hỏng trong quá trình ấp. Bài toán đặt ra là làm thế nào để xử lý những vật liệu này thành phân bón hữu ích tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Sử dụng vi sinh vật để chuyển hóa chúng thành phân bón phục vụ sản xuất rau an toàn và chất lượng là rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn bền vững hiện nay. Ba loại chế phẩm vi sinh (Emzeo, Emuniv và Emic) được sử dụng riêng để ủ trứng gà hỏng. Kết quả cho thấy, phân trứng được ủ bằng Emuniv có hàm lượng N, P, K và Ca cao hơn so với phân bón trứng ủ bằng Emzeo và Emic (1,25%, 0,94%, 6,13%, 1,35% so với 1,20%, 0,63%, 5,52%, 0,75% và 1,23%, 0,75%, 5,92%, 1,25%). Vi khuẩn E.coli và Salmonella không được phát hiện trong tất cả các loại phân trứng.
|
|
TS. Phan Thị Thủy trình bày seminar |
Phân hữu cơ cá thương mại (Organic fish) được sử dụng làm đối chứng trong thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của các loại phân trứng đến sinh trưởng và năng suất của rau muống (Ipomoea aquatic). Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng phân trứng ủ bằng Emumiv cho sinh trưởng, năng suất cây rau muống cao nhất và tương đương với đối chứng. Hàm lượng nitrat tích lũy trong tất cả các loại phân bón (120,3 đến 149,7 mg/kg) đều thấp hơn ngưỡng cho phép. Như vậy, chế phẩm vi sinh Emuniv phù hợp nhất để xử lý trứng gà hỏng nhằm sản xuất phân bón sinh học phục vụ sản xuất rau theo nguyên tắc hữu cơ.
Hướng nghiên cứu của các nhóm tác giả đều rất phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp sinh thái hiện nay. Các thành viên tham dự seminar đã thảo luận sôi nổi về kết quả nghiên cứu, đồng thời đưa ra những gợi ý để các tác giả có thể triển khai và hoàn thiện các bước nghiên cứu tiếp theo.
Phan Thị Thủy – Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái