Ngày 15 tháng 11 năm 2024, tại P308, bộ môn Canh tác học, khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar khoa học tháng 11 với hai nội dung:
Nội dung 1: Ảnh hưởng của vật liệu che phủ và mật độ gieo đến hiệu quả trừ cỏ dại và sinh trưởng, năng suất cây diêm mạch do TS. Trần Thị Thiêm trình bày.
Cây diêm mạch (Chenopodium quinoa Willd.) là cây trồng hàng năm, thân thảo được trồng với đa mục đính và được xem là cây trồng tiềm năng, giải pháp thay thế hiệu quả cho các cây trồng truyền thống. Xu hướng và nhu cầu phát triển cây diêm mạch trên thế giới không ngừng tăng bởi hạt có giá trị dinh dưỡng cao và là hạt duy nhất có đủ các axit amin cần thiết cho con người, giàu năng lượng, giàu vitamin và đặc biệt không chứa gluten. Trong sản xuất, cỏ dại cạnh tranh với cây trồng về ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng, không gian sống và còn là nơi trú ngụ của côn trùng và sâu bệnh hại. Do đó, cỏ dại được xếp hàng đầu trong các tác nhân hạn chế năng suất cây trồng. Để quản lý cỏ dại bằng biện pháp phi hoá học hiệu quả, che phủ đất và điều chỉnh mật độ cây trồng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
|
|
TS. Trần Thị Thiêm trình bày seminar |
Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của vật liệu che phủ và mật độ gieo đến các chỉ tiêu sinh trưởng của cỏ dại và cây diêm mạch tại khu thí nghiệm màu của khoa Nông học, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng vật liệu che phủ như thân lá cỏ, rơm rạ hoặc nylon đen kết hợp với tăng mật độ gieo trồng (từ 80.000 đến 133.333 cây/ha) đã làm giảm đáng kể mật độ cỏ và khối lượng chất khô của cỏ. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy kết hợp sử dụng vật liệu che phủ với điều chỉnh mật độ gieo trồng diêm mạch thích hợp (100.000 cây/ha) giúp cây diêm mạch sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất hạt cao. Như vậy, để tiết kiệm hạt giống gieo cũng như tận dụng vật liệu che phủ sẵn có ngoài đồng ruộng, trong canh tác diêm mạch nên sử dụng vật liệu che phủ là rơm rạ hay thân lá cỏ kết hợp với gieo ở mật độ 100.000 cây/ha sẽ hạn chế cỏ dại và tăng năng suất hạt.
Nội dung 2: Ảnh hưởng của mức nitơ và magie bón đến năng suất, chất lượng và đặc điểm rễ của măng tây trồng chậu do TS. Nguyễn Hồng Hạnh trình bày
Măng tây được mệnh danh là rau Hoàng đế do có hàm lượng dinh dưỡng cao và kết cấu độc đáo. Trong các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, đạm (N) được coi là yếu tố quan trọng đảm bảo năng suất và chất lượng rau, trong khi magie được công nhận là một yếu tốt thiết yếu cho nhiều sinh vật sống, thiếu magie ảnh hưởng tới quang hợp, vận chuyển carbohydrate và giảm năng suất cây trồng. Nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu trong chậu nhằm đánh giá ảnh hưởng của ba mức đạm bón N1, N2, N3 tương ứng 3; 4,5; 6g/chậu và ba mức magie bón M1, M2, M3 tương ứng 0; 1 và 2 g/chậu đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng và đặc tính rễ măng tây. Kết quả cho thấy khi tăng mức đạm và magie bón làm tăng hàm lượng chlorophyll trong lá măng và năng suất măng. Mức bón đạm N2 (4,5g/chậu) và mức magie bón M1 (1g/chậu) cho yếu tố cấu thành năng suất và năng suất măng ở hai lứa thu cao nhất, nhưng độ brix của mầm măng đạt cao nhất ở mức bón M2. Tổ hợp kết hợp N2M1 cho năng suất thực thu cao nhất (108,5g/khóm lứa thu một và 37,1 g/khóm lứa thu hai), tổng chiều dài rễ, đường kính rễ và thể tích rễ đạt lớn nhất. Có mối tương quan thuận và có ý nghĩa giữa đường kính rễ và năng suất măng với hệ số tương quan r = 0,6**.
|
|
TS. Nguyễn Hồng Hạnh trình bày seminar |
Các thành viên tham dự seminar đã thảo luận sôi nổi về kết quả nghiên cứu của các nhóm tác giả. Diêm mạch và măng tây đều là những cây trồng có giá trị dinh dưỡng cao, việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc nhằm phát triển sản xuất những cây trồng này không chỉ hướng tới cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Các định hướng nghiên cứu này có ý nghĩa thiết thực cả về mặt khoa học và thực tiễn, cần tiếp tục hoàn thiện thêm trong tương lai.
Phan Thị Thủy – Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái