Nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác Rau hoa quả và Cảnh quan tổ chức buổi thảo luận chuyên môn lần thứ 2 năm 2022 với chủ đề “ Một số kết quả nghiên cứu mới trong sản xuất rau và hoa” tại Thư viện Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

PGS.TS. Trần Thị Minh Hằng đã trình bày bài “Đặc điểm nông sinh học của một số giống bí đỏ của địa phương của Việt Nam”. Bí đỏ đã được trồng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều giống bí đỏ được lưu giữ và nhân giống bởi nông dân trong một thời gian dài. Những giống này là nguồn gen quý trong công tác chọn tạo giống tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Nghiên cứu thực hiện đánh gía khả năng sinh trưởng, năng suất và mức độ nhiễm sâu bệnh hại của các mẫu giống bí đỏ thu thập tại nhiều địa phương ở Việt Nam tại vùng Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, vùng ven biển Nam bộ. Kết quả cho thấy một số giống có khả năng sinh trưởng khỏe, trong khi một số khác nhiễm nhẹ bệnh phấn trắng, và một số giống không nhiễm virus.


Toàn cảnh buổi seminar 

Tiếp theo TS. Vũ Quỳnh Hoa trình bày bài: “Đặc điểm nông sinh học một số giống hoa Huệ mưa và khả năng nhân giống bằng chẻ củ vụ đông xuân tại Hà Nội”. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ đa dạng sinh học cao, có truyền thống trồng và nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển hoa cây cảnh. Với khí hậu đa dạng, cả nhiệt đới, Á nhiệt đới và ôn đới nên có thể phát triển nhiều loại hoa, cây cảnh. Mặt khác, chúng ta có nguồn gen hoa, cây cảnh vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó có rất nhiều nguồn gen quý, có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, tổng diện tích trồng hoa cây cảnh ước đạt từ 35000 đến 45000 ha, giá trị đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu hơn 60 triệu USD (Ngọc Quỳnh, 2019; Minh Dũng, 2021; Đặng Văn Đông và Nguyễn Văn Tỉnh, 2021). Hiện nay ở Việt Nam, huệ mưa có nhiều hình thái và màu sắc khác nhau, điều này có thể do quá trình lai tạo của những người yêu loài hoa này. Bởi vậy, công tác thu thập, bảo tồn, nhân giống và thương mại hóa loài huệ mưa là rất cấp thiết và được đặt ra trong nghiên cứu này. Nghiên cứu đã thực hiện đánh giá đặc điểm nông sinh học của tập đoàn mẫu giống huệ mưa bản địa  được thu thập đồng thời thực hiện nhân giống và lưu giữ tại Viện Sinh vật cảnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cuối buổi seminar, PGS. TS. Phạm Thị Minh Phượng trình bày bài: “Đánh giá sinh trưởng và phát triển một số giống hoa hiên tại Gia Lâm, Hà Nội”. Cây hoa Kim châm có nguồn gốc ở châu Á. Ở Việt Nam, Kim châm được trồng ở các tỉnh miền Bắc, SaPa và Đà Lạt. Có tài liệu cho rằng, Kim châm Việt Nam có bắt nguồn từ Trung Quốc. Tại Việt Nam, hoa kim châm được trồng phổ biến với 2 màu cổ điển hoang dã là vàng (Hemerocallis hyperion) và cam (Hemerocallis fulva) (Nguyễn Thị Đỏ, 2007; Phạm Hoàng Hộ, 2000). Nghiên cứu này đã thu thập tập đoàn hoa hiên với nhiều đặc điểm sinh trưởng và hình thái hoa khác nhau đáp ứng nhiều nhu cầu trang trí cảnh quan khác nhau. Bên cạnh đó nghiên cứu lai tạo các dòng triển vọng đã được thực hiện nhằm mục đích tuyển chọn được các giống mới có màu sắc và hình thái hoa đẹp hướng đến phát triển thị trường hoa hiên thương mại tại Việt Nam.

 

Nhóm nghiên cứu mạnh công nghệ canh tác Rau Hoa Quả và Cảnh quan