Ngày 30 tháng 11 năm 2021 (thứ 3) 09h00, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác Rau hoa quả và Cảnh quan tổ chức buổi thảo luận chuyên môn theo hình thức online trên phần mềm Ms Teams.

ThS. Nguyễn Thị Phượng đã trình bày bài “Vai trò của các yếu tố văn hóa, xã hội và điều kiện sinh thái trong đa dạng rau và giống rau ở cộng đồng người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam”. Nghiên cứu được thực hiện tại thị xã Sa Pa – Lào Cai (với nhóm dân tộc Dao và H’Mông) và huyện Mai Sơn – Sơn La (với nhóm dân tộc Thái và H’Mông) từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2020 nhằm mục đích đánh giá tác động của các yếu tố liên ngành tới quyết định trồng đa dạng rau và lựa chọn nguồn vật liệu giống của nông hộ, từ đó có đề xuất những giải pháp can thiệp phù hợp giúp bảo tồn và thúc đẩy đa dạng rau, giống rau, nâng cao dinh dưỡng và thu nhập cho người dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy: để bảo tồn và thúc đẩy đa dạng rau ở địa phương, việc duy trì đa dạng nguồn giống đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, việc triển khai can thiệp nhằm phát triển từng cây rau cụ thể, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa yếu tố về kỹ thuật trồng rau với yếu tố văn hóa xã hội và đặc biệt chú trọng tới đẩy mạnh vai trò nguồn cung cấp vật liệu giống, hay nói cách khác là phát triển theo chuỗi liên ngành từ khâu giống tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì sự duy trì đa dạng mới bền vững.


 

TS. Vũ Quỳnh Hoa trình bày bài “ Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống đậu bắp”. Nghiên cứu đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển và năng suất của các mẫu giống đậu bắp được lựa chọn từ các địa phương khác nhau trên cả nước, các mẫu giống nhập nội nhằm mục tiêu lựa chọn các giống đậu bắp có năng suất và chất lượng cao, có các đặc điểm quả phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời hướng tới sản xuất hạt giống thương phẩm. Nhóm NCM đã tiến hành trao đổi, thảo luận và nhận thấy: hiện nay năng suất đậu bắp của Việt Nam rất thấp, thấp hơn nhiều so với các giống đậu bắp trên thế giới, đặc biệt ở Ấn Độ. Đây là một nghiên cứu hay, giúp đa dạng hoá các giống đậu bắp cho năng suất cao ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

TS. Chu Anh Tiệp trình bày bài “Dự án ứng dụng công nghệ số vào đào tạo về hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây rau”. Bài báo cáo đã trình bày về việc xây dựng một mô hình đào tạo có hiệu quả (online kết hợp đào tạo trực tiếp) cho các đối tượng quan tâm đến việc trồng, chăm sóc và kinh doanh các sản phẩm trồng trọt. Trong các hình thức online có thể đưa thêm các video hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây hoa, rau, cây ăn quả. Việc tổ chức các lớp đào tạo giúp các cán bộ giảng dạy cập nhật và tích luỹ các kiến thức chuyên sâu cũng như kinh nghiệm thực tiễn trên các loại cây trồng, thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng cũng như các mối liên hệ với địa phương, tăng cường khả năng chuyển giao công nghệ cho địa phương, đồng thời hỗ trợ công tác đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

leftcenterrightdel