California là tiểu bang lớn thứ 3 của nước Mỹ với có nền kinh tế phát triển lớn thứ 5 trên thế giới nếu được xem là một quốc gia độc lập. California nằm ở miền Tây nước Mỹ, được nhiều người biết đến qua những bộ phim nổi tiếng của Hollywood. Nhưng ít ai biết rằng nông nghiệp California cũng là một trong những lĩnh vực kinh tế then chốt của California bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh công nghiệp và dịch vụ khác như khoa học công nghệ, thương mại, truyền thông và du lịch. Với địa hình 35% là rừng, 25% là sa mạc nhưng đây là một trong 5 khu vực cung cấp lương thực hàng đầu thế giới với tổng giá trị hàng nông sản chiếm trên 6,4% GDP của bang và 13% tổng sản phẩm nông nghiệp quốc gia. Đặc biệt, California cung cấp 2/3 sản lượng trái cây và cây có hạt cho toàn nước Mỹ, trong đó 98% sản lượng nho ăn trái, 90% sản lượng rượu vang, 88% sản lượng dâu tây, 98% sản lượng hạt rẻ cười, 90% sản lượng cà chua, 75% rau các loại… (Tạp chí Nông thôn Phát triển, 2022). Đây cũng là biểu bang có khí hậu phù hợp, thu hút 40% người Việt tới sinh sống và làm việc, chỉ riêng Quận Cam (Orange County) đã có tới 25% số dân sinh sống (Newoceanimmi, 2022).

            Có được thành quả này là do những đóng góp không nhỏ của công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học và đẩy nhanh tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp của các trường đại học hàng đầu của bang California. Từ năm 2006 đến nay Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã liên kết đào tạo chương trình tiên tiến khoa học cây trồng với các trường đại học hàng đầu về nông nghiệp của bang California như Đại học California Davis và Đại học California Riverside.

            Thông qua các chương trình trao đổi, nhiều giảng viên và sinh viên của Học viện được tới các trường đại học này để tham gia nghiên cứu và học tập. May mắn được lựa chọn tham gia chương trình nghiên cứu 6 tháng tại Đại học California Riverside, tôi có được một trải nghiệm thú vị về cách người Mỹ biến các vùng đất hoang hóa thành vựa trái cây của đất nước:

            - Người nông dân chủ động làm chủ: Để sản xuất bền vững người nông dân cần là người làm chủ nắm bắt được thông tin thị trường, chủ động sản xuất. Tuy nhiên, khác với nông dân Việt Nam tự mình làm tất cả các khâu, nông dân Mỹ chủ yếu đóng vai trò quản lý, giúp việc cho họ là đội ngũ kỹ sư, công nhân, kỹ thuật viên để thực hiện các công đoạn sản xuất như lựa chọn giống, công nghệ….

            - Sản xuất tập trung áp dụng triệt để cơ giới hóa: Chi phí lao động đắt đỏ, nên chủ yếu việc sử dụng lao động thủ công chỉ thực hiện ở khâu thu hoạch sản phẩm. Tất cả các hoạt động từ làm đất, bón phân, đốn tỉa, phòng trừ sâu bệnh đều được cơ giới hóa. Để thực hiện được điều này, cần đồng bộ từ chọn giống, bố trí mật độ - khoảng cách trồng, thiết kế hệ thống tưới, bón phân…

            - Biến khó khăn thành thuận lợi: Nhiều diện tích đất hoang, sa mạc hóa, nồng độ muối cao, khí hậu khô nóng khó khăn cho cây trồng sinh trưởng. Tuy nhiên, đất tự nhiên, ít canh tác, sâu bệnh cũng kém phát triển là tiền đề để người Mỹ đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ nâng cao giá trị sản phẩm. Để canh tác được ở những vùng đất này cần có giống phù hợp cho sản xuất hữu cơ, các hệ thống tưới nhỏ giọt hay phun mưa tùy theo loại cây trồng kết hợp với các biện pháp hạn chế ngăn mặn.

            “Nông dân kiểu Mỹ” - Người nông dân thực sự làm chủ, trên thực tế ở Việt Nam cũng đang có rất nhiều. Hầu hết những người tôi biết, sau khi học tập và rèn luyện qua môi trường đại học đã tự thân lập nghiệp và làm giàu thành công trên chính mảnh đất của gia đình. Những người trẻ, cần thay đổi tư duy, học Nông nghiệp không phải về cày cuốc theo kiểu truyền thống, mà làm “Nông dân kiểu mới”. 

Đinh Thái Hoàng, khoa Nông học


Cải tạo đất cát sa mạc phục vụ sản xuất nông nghiệp 

Vườn mận canh tác cơ giới tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Kearney, Đại học California 

Phát triển trồng đậu cowpea trên đất cát sa mạc 

Thung lũng điện gió tại sa mạc Mojave, California 

Trang trại chà là hữu cơ tại trên đất cát sa mạc tại thung lũng Cochella, California 

Trồng xoài trên đất cát sa mạc tại Thung lũng Cochella, California 

Trái xoài siêu lớn trồng trên đất cát sa mạc