Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc quy hoạch, phân vùng và sản xuất nguyên liệu dược vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Việc khai thác dược liệu quá mức, không đi đôi với phát triển và bảo tồn đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng các loài dược liệu quý trong tự nhiên. Dự đoán trong thời gian tới, phát triển dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường quốc tế về dược liệu và dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển dược liệu, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển dược liệu như: Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động của Chính phủ về dược liệu; Quyết định số 1976/QĐ- TTg ngày 30/3/2013 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch tổng thể dược liệu đến năm 2020 và đến năm 2030… Các văn bản đều đề cập đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong cả nước trong vấn đề chủ động nguồn dược liệu; bảo tồn đa dạng nguồn gen cây thuốc kết hợp với khai thác và phát triển dược liệu ổn định bền vững. Để thực hiện được điều đó, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo những cán bộ có chuyên môn sâu về dược liệu là hết sức cần thiết. Trong khi đó tất cả các trường đại học khối ngành kỹ thuật nông lâm ngư và các trường dược đều không có chuyên ngành hay ngành đào tạo kỹ sư chuyên ngành cây dược liệu với các kiến thức về khoa học trồng trọt, sơ chế biến và bảo quản dược liệu… Hầu hết các chuyên gia dược liệu hiện nay là cán bộ kỹ thuật được đào tạo chung về nông nghiệp do đó thiếu những kiến thức chuyên sâu về cây dược liệu.
Kết quả dự báo cho thấy, đến năm 2021 để phát triển và chủ động được cây dược liệu, cả nước cần có ít nhất trên 10.000 nhân lực cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về dược liệu công tác tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu dược liệu. Đây là đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ đạo sản xuất của các phòng nghiên cứu trực thuộc các tỉnh, huyện, là các cán bộ khuyến nông trực tiếp chỉ đạo sản xuất tại địa bàn nơi quy hoạch vùng sản xuất dược liệu quy mô lớn. Bên cạnh đó theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nay, cả nước có khoảng trên 400 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dược liệu trên toàn quốc, khoảng gần 300 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc dược liệu cổ truyền. Những doanh nghiệp này hiện cũng rất cần đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về cây dược liệu.
Để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhiệm vụ của các trường đại học trong khối kỹ thuật phải đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về cây dược liệu để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó. Do vậy năm 2015, Khoa Nông học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam là cơ sở đào tạo tiên phong mở chuyên ngành khoa học cây dược liệu với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về tuyển chọn, nhân giống, chăm sóc, sơ chế biến và bảo quản dược liệu…
Đội ngũ giảng viên
Đội ngũ giảng viên bao gồm các chuyên gia đầu ngành về khoa học cây trồng, chọn giống, bảo vệ thực vật, khoa học bảo quản và sơ chế dược liệu, kinh tế thị trường tiêu thụ… Đặc biệt, chuyên ngành có liên kết và hợp tác với các chuyên gia, nhà kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm.
Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo
Hiện tại chuyên ngành có 2 phòng thí nghiệm, 1 phòng thực hành, khu nhà lưới, khu thí nghiệm cây thuốc và vườn tập đoàn cây thuốc đa dạng phục vụ học tập, nghiên cứu. Trong thời gian tới, chuyên ngành sẽ được trang bị thêm 3 phòng nghiên cứu phục vụ phân tích và nghiên cứu cây dược liệu chuyên sâu.
Cơ hội việc làm
Người học sau khi tốt nghiệp chuyên ngành dược liệu có thể lập nghiệp - khởi nghiệp thành công ở nhiều lĩnh vực:
- Tự khởi nghiệp hoặc làm việc cho các công ty dược, công ty phân bón, trang trại dược liệu, hợp tác xã sản xuất dược liệu, các công ty sơ chế biến dược liệu.
- Làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các trường đại học và cao đẳng với công tác nghiên cứu và giảng dạy, các viện nghiên cứu lien quan đến nông nghiệp…
- Có thể tiếp tục học sau đại học cao học (Thạc sĩ và Tiến sĩ) theo các ngành: trồng trọt, bảo vệ thực vật, chọn giống cây trồng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm… ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
|
PGS.TS. Trần Văn Ơn - Trường Đại học Dược, Ông Nguyễn Huy văn và Phó tổng giám đốc Công ty Traphaco trao đổi về đào tạo và nghiên cứu cho cây dược liệu |
Khoa Nông học