Chiều thứ 2 ngày 21/12/2021 vào lúc 14h00, nhóm NCM Công nghệ canh tác Rau hoa quả và Cảnh quan đã tổ chức buổi seminar trao đổi cùng chuyên gia - PGS.TS. Đặng Văn Đông - phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả - theo hình thức online trên phần mềm Zoom. Các thành viên của nhóm NCM Công nghệ canh tác rau hoa quả và cảnh quan, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa và Cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả), các cán bộ và sinh viên của khoa Nông học đã tham gia đầy đủ và nhiệt tình trao đổi trong buổi thảo luận này.

Tại buổi seminar, PGS.TS Đặng Văn Đông trình bày bài “Chọn tạo giống hoa lan hồ điệp và thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu”. Trong đó, chuyên gia đã tóm tắt về một số khó khăn, giải pháp khắc phục và những thành tựu đáng tự hào trong công tác lai tạo, chọn giống, nghiên cứu quy trình nhân giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống lan hồ điệp cũng như việc chuyển giao giống và khoa học công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa và Cây cảnh tới các cơ sở sản xuất trên cả nước. Các giống hoa lan hồ điệp mới của Trung tâm là những giống hoa chất lượng với màu sắc đẹp, đa dạng, độ bền cao. Bên cạnh đó, trung tâm tập trung vào việc chọn tạo các giống cho hoa nhỏ và trung bình, có nhiều cành và nhiều hoa trên một cây, không cần kỹ thuật xử lý nhưng vẫn ra hoa vào đúng thời điểm tết, cây hoa sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại … Đây là những yếu tố then chốt nhằm giảm giá thành sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lan. Một số kinh nghiệm trong việc thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu, bao gồm lan hồ điệp của Trung tâm cũng được PGS.TS. Đặng Văn Đông đề cập tới. Trong cơ chế vận hành tổ chức quản lý cần nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trong tập thể, mọi việc thảo luận, hợp tác phải dân chủ, công khai và minh bạch, gắn quyền lợi với trách nhiệm đối với các cán bộ trong trung tâm. Để tăng cường khả năng thương mại hoá sản phẩm, Trung tâm tập trung vào việc phát triển đa dạng và  nâng cao chất lượng hoa của các giống mới, tích cực chăm sóc khách hàng, tăng cường công tác truyền thông qua các kênh thông tin như báo đài, mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm và thành tựu của trung tâm. Bên cạnh đó, các cán bộ của Trung tâm phải xác định nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển hoa lan hồ điệp cũng như các loại hoa, cây cảnh khác là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi sự say mê, nghiêm túc và sáng tạo với nghề.


 

 

 

Các thành viên có mặt trong buổi seminar đã tiến hành trao đổi và thảo luận sau bài trình bày của PGS.TS Đặng Văn Đông. Tất cả đều nhất trí để thành công trong việc nghiên cứu trên một đối tượng cây trồng cụ thể, làm việc nhóm là một yêu cầu bắt buộc, đồng thời các thành viên trong nhóm phải chuyên nghiệp trong nghiên cứu, có sự đam mê và lòng nhiệt tình với nghề và có tinh thần đoàn kết và hỗ trợ nhau. Hiện nay, Học viện Nông nghiệp đã và đang đi theo hướng này, đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh gồm các thành viên có cùng chí hướng nghiên cứu và đã gặt hái được một số kết quả nhất định. Bên cạnh đó, để thành công trong việc thương mại hoá sản phẩm, cần phải có sự kết nối và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm nghiên cứu, tăng cường giới thiệu sản phẩm tới các khu trưng bày, tới các làng nghề có quy mô sản xuất lớn kết hợp sử dụng các phương tiện truyền thông giúp các sản phẩm nhanh chóng được tiếp cận tới người tiêu dùng.