Ngày 16/12/2021 nhóm NCM Sinh lý- Sinh thái, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức buổi Seminar định kỳ với chủ đề “Vai trò của chất giữ ẩm, phân hữu cơ và điều kiện nuôi cấy đối với một số đối tượng cây trồng” bao gồm 04 bài trình bày.


 

Bài trình bày thứ nhất về “Sử dụng chất giữ ẩm sinh học bio-sap trong canh tác cây gừng (Zingiber officinale) ở điều kiện nước hạn chế” do TS. Trần Anh Tuấn trình bày. Hiện nay, diện tích đất canh tác bị thiếu hụt nước ngày càng tăng, do đó biện pháp để khắc phục điều kiện thiếu nước là một trong những ưu tiên hàng đầu. Gừng (Zingiber officinale) là loại cây trồng có giá trị về kinh tế và y học cao nhưng chỉ được coi là cây trồng phụ. Canh tác gừng hiện nay còn gặp nhiều hạn chế như thiếu bộ giống tốt cho từng vùng, trình độ thâm canh chưa cao và trong giai đoạn sinh trưởng gặp hạn. Polymer siêu hấp thụ nước SAP (Super Absorbent Polymers) là một loại chất giữ ẩm phổ biến, có thể hút và giữ một khối lượng dung dịch cực lớn (có thể gấp 400 đến 500 lần) so với khối lượng ban đầu. SAP hấp thụ và giữ nước và tạo thành tinh thể hydrogel. Trong nông nghiệp, sử dụng SAP được coi là biện pháp tạo ra các “hồ chứa nhỏ” giúp giữ nước trong đất, đồng thời góp phần giữ các chất dinh dưỡng cho cây trồng không bị rửa trôi. Kết quả là tiết kiệm được nước tưới và chất dinh dưỡng nhưng không gây ô nhiễm.

Nghiên cứu sử dụng SAP đến sinh trưởng của cây gừng trong điều kiện nước tưới hạn chế được thực hiện bởi nhóm Nghiên cứu mạnh Sinh lý, Sinh thái cây trồng đã cho kết quả rất khả quan. Kết quả đã cho thấy:

1) Ở công thức có bổ sung thêm chất giữ ẩm Bio – SAP trong điều kiện tưới nước và hạn đã làm tăng sinh trưởng, một số chỉ tiêu sinh lý so với công thức không bón. Trong đó, bón Bio-SAP liệu lượng 50 kg/ha cho tác dụng tốt nhất.

2) Trong điều kiện gây hạn, công thức có bổ sung chất giữ ẩm Bio-SAP có ảnh hưởng tích cực đối với cây gừng. Trong đó, bón Bio-SAP ở mức 50 kg/ha cho tác dụng tốt nhất khi năng suất chỉ bị giảm 0,44% so với công thức không bị hạn; công thức bón Bio-SAP ở mức 70 kg/ha bị giảm năng suất 2,09 % so với đối chứng tưới nước đầy đủ và không bón Bio-SAP.

Kết quả bước đầu này có thể làm cơ sở để ứng dụng SAP trong canh tác cây trồng trong điều kiện nước hạn chế.


 

Bài trình bày thứ 2 về “Ảnh hưởng của độ cao luống và lượng phân chuồng ủ đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng măng tây trồng theo phương pháp hữu cơ” do TS. Nguyễn Hồng Hạnh trình bày. Thí nghiệm đồng ruộng hai (vụ thu đông 2019 và vụ xuân 2020) đã được thực hiện tại Khu thí nghiệm cây trồng cạn của Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) để đánh giá ảnh hưởng của 3 mức độ cao luống (L) (15, 30 và 50cm) với 3 mức phân ủ (15, 25 và 35 tấn/ha) đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng măng tây xanh (Asparagus officinalis L.) trồng theo phương pháp hữu cơ. Kết quả cho thấy năng suất thu hoạch cao nhất (11,3 và 25,1 tạ/ha trong vụ thu 2019 và vụ xuân 2020 tương ứng) ở công thức có chiều cao luống 35cm và mức phân chuồng ủ là 35 tấn/ha. Điều này được giải thích là do tăng đường kính măng và số lượng mầm măng trên khóm khi chiều cao luống và mức phân chuồng ủ tăng lên. Ngoài ra, hàm lượng diệp lục, sự mất nước và khối lượng chất khô của mầm măng cũng tăng lên khi chiều cao luống và mức phân ủ tăng lên. Chất lượng mầm măng thu được ở công thức có ở chiều cao luống 35 cm và mức phân ủ 35 tấn/ha cao hơn so với công thức khác với giá trị đường khử, vitamin C và Brix cao hơn, trong khi dư lượng nitrat của tất cả các công thức đều ở mức dưới ngưỡng cho phép.


Măng thu từ thí nghiệm 

Bài trình bày thứ 3 do TS. Đỗ Thị Hường trình bày về “Ảnh hưởng của một số loại phân hữu cơ khoáng đến sinh trưởng và phát triển của giống dưa Kịm Nhật Hoàng và Kim Hoàng Hậu tại Hải Phòng”. Dưa Kim Nhật Hoàng và giống dưa Kim Hoàng Đế là hai giống dưa thơm đang được thị trường ưa chuộng bởi vì có màu vỏ quả hấp dẫn, thịt quả có hương thơm nhẹ, độ ngọt cao và chứa nhiều khoáng chất như natri, kali, magie và các vitamin như vitamin A, vitamin B, vitamin C. Ngoài ra, còn có các hợp chất có khả năng chống ôxi hóa như lycopen và các chất dinh dưỡng khác: beta-caroten, axit folic, argnine, potasium và citrulline. Việc quá chú trọng vào năng suất và lợi nhuận, người sản xuất đã và đang lạm dụng quá mức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong nông nghiệp dẫn đến môi trường nông nghiệp nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đất nông nghiệp đang dần dần bị suy thoái đã ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây trồng. Do vậy sử dụng phân bón trong nông nghiệp cần được quan tâm. Nhằm đánh giá vai trò của các loại phân khoáng đến sinh trưởng, phát triển của cây dưa Kim Nhật Hoàng và Kim Hoàng Hậu, chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm với ba loại phân hữu cơ khoáng đó là: phân hữu cơ khoáng Sông Gianh, Suối Hai và Organtic L9. Thí nghiệm được bố trí tại xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng trong vụ Xuân Hè và vụ Hè Thu 2021. Kết quả sau hai vụ thí nghiên cho thấy: bón phân hữu cơ khoáng đã làm tăng hàm lượng hữu cơ từ 5.300mg/kg trước thí nghiệm lên 10.300, 7.800 và 8.100 mg/kg tương ứng với bón phân hữu cơ khoáng Organitic L9, Suối Hai và Sông Gianh, đồng thời làm tăng hàm lượng đạm tổng số, hàm lượng lân và kali dễ tiêu so với trước khi tiến hành thí nghiệm. Phân hữ cơ khoáng Sông Gianh không làm tăng năng suất so với hai phân bón còn lại nhưng đã cho chất lượng như độ brix và độ dày thịt quả cao nhất ở mức ý nghĩa thống kê và lãi thuần đạt từ 50 – 70 triệu đồng/ha.

leftcenterrightdel
 

Bài trình bày thứ 4 về “Một số tác dụng đặc trưng của Đông trùng hạ thảo đối với sức khỏe con người và bước đầu thăm dò về ảnh hưởng của điều kiện nuôi cấy đến việc tích lũy hoạt chất trong nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris”. TS. Vũ Ngọc Lan trình bày. Nấm Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) là dạng ký sinh của nấm Cordyceps trên ấu trùng. Loài Cordyceps militaris và Cordyceps sinensis là được tập trung nghiên cứu, cũng như sử dụng nhiều hơn cả. Trong nấm ĐTHT có chứa các chất có hoạt tính kháng ung thư, vi sinh vật, tiêu huyết kháng viêm, điều hòa miễn dịch, kháng tiểu đường,... như cordycepin, adenosine, ergosterol,... ngoài lượng lớn protein, vitamin và chất khoáng. Trong nghiên cứu này, tác giả đã bước đầu thử nghiệm nuôi cấy 3 chủng C. militaris sử dụng các vật liệu khác nhau như Polypropylene, Polyethylene, bình thủy tinh trung tính trên các môi trường dinh dưỡng khác nhau sử dụng các nguyên liệu hữu cơ như gạo lứt, gạo huyết rồng; sương sáo, găng, chuối, bắp cải, cây họ đậu, khoai tây, cà rốt, súp lơ, giá, su hào, nhộng tằm, nước dừa, ngô để nuôi cấy dưới các chế độ ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm khác nhau. Kết quả bước đầu cho thấy ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng nấm ĐTHT, bình thuỷ tinh trung tính là vật liệu phù hợp để nuôi cấy. Tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra kết quả cụ thể hơn.

leftcenterrightdel
 

 

Nhóm NCM Sinh lý – Sinh thái Cây trồng, Khoa Nông học