Các loài nấm gây bệnh gỉ sắt thuộc một trong những nhóm nấm ký sinh chuyên tính hại thực vật đã gây thiệt hại đáng kể tới năng suất cây trồng do làm giảm cường độ quang hợp của cây. Tại Việt Nam, các bệnh gỉ sắt gây hại và ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất cây trồng như bệnh gỉ sắt cây nho, cây ngô, cây cà phê,…Trong thời gian hợp tác (2020-2023) nghiên cứu về lĩnh vực bệnh cây giữa Bộ môn Bệnh cây; Nhóm nghiên cứu mạnh bệnh cây, Khoa Nông học và các chuyên gia nghiên cứu về nấm gỉ sắt của Trường Đại học Tsukuba, Nhật Bản, nhóm nghiên cứu cũng đã bước đầu công bố về loài nấm gây bệnh gỉ sắt cây nho tại miền Bắc Việt Nam và nghiên cứu nhiều loài nấm gây bệnh gỉ sắt trên các cây trồng khác như cây mơ, cây đào,…   

Từ kết quả của sự hợp tác nghiên cứu này, Nhóm Nghiên cứu mạnh bệnh cây, Bộ môn bệnh cây đã cùng với nhóm nghiên cứu của GS.TS. Izumi Okane, Trường Đại học Tsukuba – Nhật Bản tổ chức Seminar về “Recent life-cycle studies of rust fungi: Adoption of molecular technique” (Các nghiên cứu gần đây về vòng đời của nấm gỉ sắt: Áp dụng kỹ thuật phân tử)

          GS.TS. Izumi Okane đã giới thiệu những nghiên cứu mới nhất về vòng đời nấm gỉ sắt gây bệnh phổ biến trên nhiều loại cây trồng. Ngoài ra GS.TS. Izumi Okane cũng đã giới thiệu một số phương pháp nghiên cứu rất hữu ích đối với việc nghiên cứu nấm gỉ sắt như sử dụng kỹ thuật phân tử và loài cây ký chủ để xác định nấm gỉ sắt.


 

 GS.TS. Izumi Okane trình bày các nghiên cứu về bệnh gỉ sắt hại thực vật

 Nghiên cứu về bệnh gỉ sắt tại vườn ươm

Kết quả của sự hợp tác này đã lần đầu tiên xác định được nhiều loài nấm gây bệnh gỉ sắt hại thực vật ở Việt Nam dựa trên hình thái và mức độ phân tử mà trước đây chưa có ghi nhận, ví dụ như một số loài Cerotelium fici, Diabole cubensis, Hemileia wrightiae, Maravalia crotalariae, Leucotelium pruni-persicae, vv. Các phát hiện này góp phần cung cấp thêm thông tin khoa học về thành phần các loài nấm gây bệnh gỉ sắt thực vật ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này cũng là cơ sở để hai bên tiếp tục xây dựng các nghiên cứu tiếp theo giai đoạn 2023 – 2028.

Nguyễn Thị Thanh Hồng

Bộ môn Bệnh cây, Khoa Nông học