Seminar “Nghiên cứu ứng dụng pheromone, vi sinh vật trong quản lý sâu hại cây trồng nông nghiệp”
Cập nhật lúc 09:38, Chủ nhật, 06/11/2022 (GMT+7)
Ngày 31/10/2022, nhóm nghiên cứu mạnh Côn trùng đã tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu ứng dụng pheromone, vi sinh vật trong quản lý sâu hại cây trồng nông nghiệp
Ngày 31/10/2022, nhóm nghiên cứu mạnh Côn trùng đã tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu ứng dụng pheromone, vi sinh vật trong quản lý sâu hại cây trồng nông nghiệp”. Tham dự buổi seminar có sự góp mặt của các thầy/cô giảng viên Khoa Nông học.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá nhiều đã gây ra ô nhiễm môi trường, dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, mất an toàn thực phẩm và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con người. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc BVTV không kiểm soát đã gây ra tính kháng thuốc lớn ở các loài sâu hại làm giảm hiệu quả trong phòng chống. Do đó, việc nghiên cứu ứng dụng pheromone và vi sinh vật trong quản lý sâu hại cây trồng nông nghiệp trở nên cần thiết.
Trong buổi seminar, TS. Phạm Thị Hiếu đã trình bày nghiên cứu về hành vi tiết pheromone giới tính ở côn trùng và các yếu tố ảnh hưởng. Đây là nghiên cứu cơ bản cho việc phát triển và ứng dụng pheromone giới tính trong quản lý sâu hại cây trồng nông nghiệp. Tiếp theo, TS. Trần Thị Thu Phương đã trình bày về ứng dụng bẫy pheromone trong phòng chống sâu hại trên một số cây trồng nông nghiệp tại Việt Nam. Bài trình bày cho thấy việc ứng dụng bẫy pheromone trong phòng chống sâu hại cây trồng nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế so với các nước trên thế giới. Việc sử dụng bẫy pheromone được áp dụng trên một số đối tượng côn trùng gây hại như ruồi vàng đục quả, sâu khoang, sâu keo mùa thu. Ngoài ra, biện pháp sử dụng bẫy pheromone phòng chống sâu hại mới chỉ áp dụng trên các mô hình thí điểm với diện tích nhỏ lẻ chưa phổ biến. ThS. Nguyễn Đức Khánh đã trình bày về khả năng ức chế của chủng nấm MA1 đối với một số chủng vi sinh vậy nội sinh ruột sâu keo mùa thu. Đây là hướng nghiên cứu mới chưa được thực hiện tại Việt Nam. Nghiên cứu này sẽ mang đến cho ngành BVTV một hướng nghiên cứu về biện pháp phòng trừ sâu hại áp dụng vi sinh vật có ích ức chế vi sinh vật nội sinh ruột của sâu hại cây trồng.
Qua các bài trình bày và thảo luận cho thấy cần tiếp tục nghiên cứu biện pháp sinh học và sử dụng bẫy pheromone để giảm số lần phun thuốc trừ sâu, ngăn chặn hình thành tính kháng thuốc BVTV đặc biệt là an toàn với môi trường, con người, sản phẩm nông nghiệp không có dư lượng thuốc BVTV.
Một số hình ảnh
Nhóm nghiên cứu mạnh Côn trùng