Ngày 25/8/2021 nhóm nghiên cứu mạnh Sinh lý – sinh thái cây trồng thuộc Khoa Nông học tổ chức Seminar khoa học thường kỳ với tiêu đề Ảnh hưởng của vi sinh vật và axit salicylic đến khả năng nảy mầm, sinh trưởng, phát triển của giống đậu xanh ĐXVN7 trong điều kiện mặn nhân tạodo TS. Phạm Tuấn Anh trình bày.


 

Đậu xanh là cây họ đậu quan trọng vì trong hạt chứa vitamin và khoáng chất để tăng cường chất lượng dinh dưỡng trong chế độ ăn ở khu vực Nam và Đông Nam Á - nơi mà số lượng người bị suy dinh dưỡng protein và vi chất thuộc hàng cao trên thế giới (Nair & cs., 2013). Tuy nhiên sản xuất đậu xanh và cây trồng khác ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đất bị nhiễm mặn, tỷ lệ đất này chiếm hơn 3% diện tích tự nhiên của cả nước và đang có xu hướng tăng dần. Axit salicylic (SA) là một hormone thực vật được tìm thấy trong thực vật, có tác dụng giúp cây trồng chống lại các stress phi sinh học như nóng, mặn, hạn và lạnh (Popova & cs., 1997). SA có vai trò trong quá trình tạo năng suất quả, hấp thu và vận chuyển ion, hiệu suất quang hợp, sự đóng mở khí khổng và thoát hơi nước. Hiện nay, ngoài việc ứng dụng các chất điều tiết sinh trưởng, chúng ta có thể sử dụng vi sinh vật (VSV) hoặc các hoạt chất sinh học của các VSV hữu hiệu làm tăng cường hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng hoặc giúp cây trồng sử dụng dinh dưỡng tốt hơn từ đó kích thích cây trồng sinh trưởng, phát triển trong các điều kiện bất lợi. Do vậy nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng phối hợp giữa của vi sinh vật và axit salicylic đến khả năng nảy mầm, sinh trưởng và phát triển của cây đậu xanh (ĐXVN7) trong điều kiện mặn nhân tạo. 


 

Kết quả cho thấy mặn đã làm giảm rõ rệt tỷ lệ nảy mầm, chiều dài rễ mầm, thân mầm và khối lượng của đậu xanh. Tuy nhiên khi hạt đậu xanh được xử lý axit salicylic thì giúp tăng cường sức chống chịu, làm tăng khả năng nảy mầm, khả năng hấp thụ nước trong điều kiện mặn. Axit Salicylic đã làm tăng khả năng nảy mầm của hạt, làm cho chiều dài thân mầm và lá mầm tăng lên cùng với đó là khối lượng tươi và khối lượng khô thân mầm, lá mầm cũng tăng lên trong điều kiện mặn.


 

Khi gieo trồng trong điều kiện mặn nhân tạo khả năng mọc mầm và sinh trưởng của giống ĐXVN7 bị ảnh hưởng rõ thông qua việc làm giảm chiều cao thân chính, khối lượng chất khô tích lũy, diện tích lá, chỉ số diện tích lá, SPAD và hiệu suất quang hợp; từ đó ảnh hưởng đến năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất của giống đậu xanh trong thí nghiệm. Xử lý vi sinh vật, xử lý SA hay phối hợp cả vi sinh vật và SA cho cây đậu xanh đều có ảnh hưởng tích cực đến các chỉ tiêu về diện tích lá, chỉ số diện tích lá, chỉ số SPAD, hiệu suất quang hợp và khối lượng chất khô tích lũy so với việc không xử lý VSV và SA, từ đó có tác động tích cực đến năng suất của giống ĐXVN7 trong điều kiện gây mặn.

 

TS. Phạm Tuấn Anh

Nhóm NCM Sinh lý – Sinh thái cây trồng, Khoa Nông học