Ngày 10 tháng 5 năm 2022, thời gian từ 7h30 – 12h30, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác Rau hoa quả và Cảnh quan tổ chức buổi hội thảo chuyên môn “Giải pháp thông minh cho nông nghiệp bền vững” (Smart solutions for sustainable agriculture). Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp tại hội trường Khoa Nông học và online trên nền ứng dụng Zoom tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Buổi hội thảo có sự tham gia trình bày của GS. TS. Senthold Assenge, Technical University of Munich, Global AgMIP, các chuyên gia đến từ trường đạo học An Giang, Đại học Quốc Gia Hà Nội, và các thầy cô trong nhóm nghiên cứu mạnh. Tham dự hội thảo có ban chủ nhiệm Khoa Nông học, các thày cô trong Khoa Nông học, cùng các em sinh viên đến dự trực tiếp và online.

PGS. TS. Nguyễn Đức Tùng, Phó trưởng khoa Nông học, phát biểu chào mừng các diễn giả tham gia hội trường Khoa, đồng thời thống nhất chương trình, nội dung và cách thức thảo luận trong phòng họp.


 

ThS. Nguyễn Thị Phượng đã trình bày bài về điều khiển từ xa trong sản xuất nhà kính với công nghệ thông minh điều khiển khí hậu, công nghệ tưới và sản xuất cây trồng. Sản xuất nhà kính đối mặt với nhiều thách thức ví dụ như năng lượng hay công nghệ điều khiển và khí hậu. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trong nhà kính công nghệ cao với diện tích 96 m2, với giống dưa chuột Cucumber cv. “Hi-power”. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng CO2, sự cân bằng trong điều khiển cây trồng là những nhân tố quan trọng. Những thách thức tiếp theo là vấn đề kĩ thuật, sự xuất hiện của bệnh hại, sản xuất rau ăn lá trong nhà kính.


 

Ông Lưu Hữu Phước Đại học An Giang có buổi trao đổi và thảo luận về “Mô phỏng sinh khối và năng suất lúa ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Việt Nam”, trong đó đề cập đến đánh giá các chỉ tiêu năng suất cây lúa dựa trên mô hình của Zao và cộng sự trên giống lúa IR50404.


 

TS. Chu Anh Tiệp, nhóm nghiên cứu mạnh trình bày về mô hình quản lý dịch hại trên cây bưởi diễn. Cây bưởi có vị trí quan trọng trong nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ 2 trên thế giới. Điều quan trọng để có thể xuất khẩu là chất lượng trong khi xuất khẩu quả bưởi Việt Nam lại chưa nhiều. Thị trường nội địa là thị trường quan trọng. Để đi ra được thị trường thì sâu bệnh hại là vấn đề quan trọng. Tình hình dịch bệnh trên bưởi diễn phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết phù hợp. Việc sử dụng mô hình hóa có tiềm năng để kiểm soát sâu bệnh hại trên bưởi như bệnh thối quả, xén tóc, sâu chích hút, đục quả ... Vấn đề mấu chốt trong sản xuất là phòng bệnh. Dự án Vietpo sử dụng trí tuệ nhân tạo, tư liệu hóa các thông tin của các khu vực, giải pháp phòng trừ, ý kiến chuyên gia, đưa ra thời điểm vàng có biện pháp phòng bệnh phù hợp. Tiềm năng dự án này có thể áp dụng với các cây ăn quả khác ở Việt Nam.


 

Tiếp theo, GS. TS. Senthold Assenge, Technical University of Munich, Global AgMIP thảo luận nội dung về hướng mới cho nông nghiệp số và mô hình hóa cây trồng. Giáo sư trình bày về sự thay đổi của khí hậu, đặc biệt là sự nóng lên của trái đất và các hình thái thời tiết khắc nghiệt đã và sẽ làm giảm năng suất cây trồng. Các tiếp cận mới trong mô hình hóa cây trồng đó là sử dụng nhiều mô hình đánh giá sẽ có hiệu quả hơn một mô hình riêng lẻ. “Vertical farming” hay canh tác thẳng đứng đang được nghiên cứu và mang lại tiềm năng cho việc tăng năng suất lên gấp nhiều lần so với mô hình canh tác truyền thống.


 

GS. TS. Phan Văn Tân, trường đại học Quốc Gia Hà Nội trình bày về dự báo năng suất cây trồng dựa trên các chỉ tiêu vầ khí hậu. Các mô hình có thể mô phỏng một số tác động và tương tác của biến đổi khí hậu. Các nội dung chính bao gồm: Một khả năng thích ứng với nhiệt độ cho lúa mì: Phản ứng trễ và tăng tỷ lệ lấp đầy hạt; Mở rộng mô hình sang các loại cây trồng mới (dâu tây: Hopf et al 2021 Scientia Horticulturae), các khía cạnh chất lượng và tác động của dịch bệnh (Bregaglio et al 2021 Field Crops Res), liên kết với LCA (Gustafson et al 2021 Nature Food); Sử dụng các phương pháp tiếp cận thống kê (cực trị); Công cụ dữ liệu mới (DFG - NFDI); Dữ liệu mới (giám sát, thí nghiệm kiểm soát môi trường).

Cuối cùng, TS. Nguyễn Trần Nhẫn Tánh đại diện nhóm Agmip Việt Nam trình bày những cập nhật mới nhất về vai trò, tầm quan trọng, nhu cầu đối tác và cung cấp thông tin của tổ chức và những nghiên cứu gần đây. Dự báo thời tiết là hết sức quan trọng, tuy nhiên nó không đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp vì tính giới hạn của dự báo trong thời gian khoảng 10 ngày. Dự báo theo mùa có thể cung cấp được thông tin trước 6 tháng như tại Việt Nam. Dự báo theo mùa động lực học là phương pháp có thể được bổ sung sử dụng tại Việt Nam.


 

Nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác rau hoa quả và cảnh quan