Ngày 10 tháng 10 năm 2023, tại Thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Sinh thái nông nghiệp tổ chức seminar khoa học với hai chủ đề:

Chủ đề 1: Nghiên cứu ảnh hưởng của thời vụ đến sinh trưởng và năng suất của cây Diêm mạch tại Hưng Yên do TS. Trần Thị Thiêm trình bày


TS. Trần Thị Thiêm trình bày

            Cây diêm mạch (Chenopodium quinoa Willd.) là cây trồng hàng năm và được coi là “cây hạt vàng” bởi giá trị dinh dưỡng trong hạt cao. Hạt diêm mạch là hạt duy nhất chứa đủ các axit amin cần thiết, giàu năng lượng, giàu protein, hàm lượng dầu béo thấp, chất xơ cao, giàu mangan, phốt pho, folate, đồng, sắt, kẽm, kali, Vitamin B1, B2, B6, đặc biệt không chứa gluten gây các bệnh nguy hiểm cho con người. Bên cạnh đó, loại hạt này còn có flavonoid, những chất chống oxy hóa từ thực vật rất tốt cho sức khỏe con người. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cứ 185g diêm mạch nấu chín cung cấp cho cơ thể 222 calo, 39g carb, 4g chất béo cùng một lượng nhỏ axit béo omega-3. Mặc dù, cây Diêm mạch có khả năng thích ứng rộng và chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất thuận như chịu hạn tốt, chịu rét, chịu nóng; tuy nhiên, việc xác định được thời vụ trồng cây thích hợp để đạt năng suất tối ưu là rất cần thiết để mở rộng diện tích trồng cây Diêm mạch. Thí nghiệm gồm 4 thời vụ: thời vụ 1 gieo ngày 5/1/2023, thời vụ 2 gieo ngày 19/1/2023, thời vụ 3 gieo ngày 2/2/2023, thời vụ 4 gieo ngày 16/2/2023. Kết quả thí nghiệm cho thấy, thời vụ gieo trồng khác nhau có ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất hạt diêm mạch. Trong 4 thời vụ gieo trồng, khung thời vụ từ 19/1-2/2 là thích hợp cho cây diêm mạch, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao (2,29 - 2,37 tấn/ha).

Chủ đề 2: Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái và đa dạng di truyền của tập đoàn giống măng tây nhập nội năm thứ nhất tại Hà Nội do TS. Nguyễn Hồng Hạnh trình bày


 TS. Nguyễn Hồng Hạnh trình bày

            Măng tây (Asparagus officianalis L.) là loài cây lâu năm, có giá trị kinh tế (Sarabi & cs., 2010), được trồng rộng rãi trên thế giới chủ yếu ở Nam và Trung Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu (Prohens & cs., 2008). Măng tây được mệnh danh là rau “Hoàng đế” nhờ hàm lượng cao của các hợp chất sinh hoá, chất chống oxy hóa, protein, chất xơ và các loại axit amin thiết yếu (Guo và cs, 2020).  Tại Việt Nam, diện tích trồng măng đang có xu hướng tăng lên, tập trung tại các vùng trồng măng lớn như Ninh Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng,…..Các giống măng tây chủ yếu được nhập nội từ Mỹ và Hà Lan. Nghiên cứu được tiến hành trên 13 giống Măng tây được nhập nội từ Mỹ và Hà Lan vào năm 2022 nhằm đánh giá đa dạng di truyền về đặc điểm hình thái tại Gia Lâm, Hà Nội; diện tích ô thí nghiệm là 20m2, nhắc lại 3 lần, bố trí kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB). Các chỉ tiêu hình thái được theo dõi ở thời điểm 10 tháng sau khi trồng theo phương pháp của Liên minh quốc tế bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV, 2010). Kết quả cho thấy, các giống măng tây nhập nội đa dạng về các đặc điểm hình thái như màu sắc đỉnh, hình dạng đỉnh, chiều cao cây, chiều cao phân nhánh đầu tiên, số thân măng/khóm, mức độ đóng búp, mức độ xanh của lá, loại hoa. Kết quả phân tích đa dạng nguồn gen bằng phương pháp phân tích thành phần chính (PCA), 13 giống măng được phân thành 4 nhóm phù hợp với nguồn gốc địa lý. Trong đó,  màu sắc thân, chiều dài và rộng lá bắc sát gốc, chiều cao phân nhánh đầu tiên, thời gian xuất hiện mầm, cường độ xanh của lá, chiều dài thân, đường kính gốc măng và số thân là những chỉ tiêu đóng góp >8% cho 2 thành phần chính. Phân loại đa dạng di truyền của cây măng tây dựa trên đặc điểm hình thái đóng góp ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn nguồn vật liệu để chọn tạo giống năng có năng suất cao.

            Kết thúc buổi seminar, các thành viên trong nhóm đã thảo luận sôi nổi và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo trên cây Diêm mạch và cây Măng tây như vấn đề chế biến, chọn giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất và giá trị trên đối tượng này.

 

Đỗ Thị Hường – Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái